05/05/2024

Taiwan Today

Chính trị

Giáo sư La Trúc Phương trở thành chuyên gia Đài Loan đầu tiên được Tổ chức Thú y Thế giới trao tặng Giải thưởng đóng góp nổi bật

24/03/2020
Giáo sư La Trúc Phương (Chu-Fang Lo, bên trái) của Đại học Quốc lập Thành Công (NCKU) chuyên nghiên cứu các bệnh ở tôm. Bà có những đóng góp lớn cho ngành nuôi tôm trên toàn cầu và đã trở thành chuyên gia Đài Loan đầu tiên được Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) trao tặng Giải thưởng đóng góp nổi bật (Ảnh: NCKU)
 Giáo sư La Trúc Phương (Chu-Fang Lo) của Đại học Quốc lập Thành Công (NCKU) chuyên nghiên cứu các bệnh ở tôm. Bà có những đóng góp lớn cho ngành nuôi tôm trên toàn cầu và đã trở thành chuyên gia Đài Loan đầu tiên được Tổ chức Thú y Thế giới (World Organisation for Animal Health, tiếng Pháp gọi tắt là OIE) trao tặng Giải thưởng đóng góp nổi bật (2020 Meritorious Award).

 Tổ chức Thú y Thế giới hàng năm đều tổ chức trao tặng Giải thưởng đóng góp nổi bật nhằm vinh danh những người có đóng góp xuất sắc trong công tác nghiên cứu dịch bệnh động vật. Năm nay, Giáo sư La Trúc Phương giành được vinh dự này nhờ nghiên cứu về bệnh lý học ở loài tôm và là người Đài Loan đầu tiên giành được giải thưởng này.

 Giáo sư La Trúc Phương chuyển từ Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU) sang giảng dạy tại Đại học Thành Công từ trước năm 2013 theo lời mời của cố Hiệu trưởng Đại học Thành Công Huỳnh Hoàng Huy. Bà vừa đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 2 năm nay nhưng niềm say mê nghiên cứu về loài tôm thì không giảm đi chút nào. Hiện nay, bà đang thành lập khu nuôi tôm tiêu chuẩn hóa đầu tiên của Đài Loan kết hợp với các thiết bị thông minh, đặt tại huyện Hoa Liên.

 Giáo sư La Trúc Phương là tiến sĩ ngành Thủy sản của khoa Nông nghiệp, Đại học Tokyo (Nhật Bản). Trước đây, bà vốn không có kinh nghiệm nghiên cứu liên quan đến các loài động vật giáp xác, nhưng do tác động lớn mà bệnh đốm trắng trên tôm gây ra cho người nuôi tôm nên bà kiên quyết chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu mới. Chỉ trong vỏn vẹn vài tháng, công tác nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã thu được những kết quả quan trọng, khiến giới học thuật phải kinh ngạc.

 Trong thời gian công tác tại Đại học Thành Công, trên cơ sở các nghiên cứu ban đầu về loài tôm, Giáo sư La Trúc Phương đã mở ra nghiên cứu về nhân giống tôm kháng bệnh và tôm sạch bệnh (tôm không mang mầm bệnh-SPF), đồng thời thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển quốc tế về nuôi tôm, xây dựng trang trại nuôi tôm khoa học với mục tiêu thúc đẩy đổi mới công tác quản lý ngành nuôi tôm toàn cầu. Bà cho biết bản thân đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu cơ bản và phát biểu nhiều luận văn khi còn ở Đại học Quốc gia Đài Loan. Sau khi đến Đại học Thành Công, bà đã có cơ hội áp dụng những kết quả nghiên cứu trước đây vào thực tế công việc nuôi tôm và hỗ trợ các ngành nghề liên quan của Đài Loan có cơ hội phát triển vững chắc.

 Giáo sư La Trúc Phương cho biết: Ban đầu, khi quan sát dưới kính hiển vi điện tử, các nhà khoa học cho rằng bệnh đốm trắng trên tôm (WSSV) là do baculovirus gây ra, nhưng suy luận từ trình tự acid nucleic và phương thức tổ hợp virus, bà tin rằng bệnh này do một loại virus mới gây nên. Sau đó, Hiệp hội virus quốc tế đã chính thức công nhận bệnh đốm trắng trên tôm là do virus mới gây ra, phòng thí nghiệm do Giáo sư La Trúc Phương phụ trách cũng được Tổ chức Thú y Thế giới chỉ định làm phòng thí nghiệm tham khảo.

 Nhiều năm trước, loài tôm còn xuất hiện bệnh mới là “Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm” (AHPND), mức độ gây thiệt hại do bệnh này cũng nghiêm trọng không kém bệnh đốm trắng trên tôm. Do đó, phòng thí nghiệm do Giáo sư La Trúc Phương phụ trách lại một lần nữa được Tổ chức Thú y Thế giới chỉ định làm phòng thí nghiệm tham khảo duy nhất trên thế giới về bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm.

 Năm 2013, Giáo sư La Trúc Phương đã nhận lời mởi hợp tác với Thái Lan, trong thời gian chưa đến 3 tháng, bà đã có được plasmid chứa gen gây bệnh, xác nhận cơ chế gây bệnh và tiến thêm một bước, phát triển được test nhanh cho phép ngành nuôi tôm có thể phân biệt được tôm giống có bệnh hay không.

 Cục trưởng Cục Phòng dịch và Kiểm dịch động thực vật thuộc Ủy ban Nông nghiệp – bà Đỗ Văn Trân cho biết: Năm nay Đài Loan giới thiệu Giáo sư La Trúc Phương chủ yếu do bà có những đóng góp to lớn về chẩn đoán và phòng chống các bệnh trên tôm, không chỉ mang lại lợi ích cho Đài Loan nên cuối cùng bà đã được Tổ chức Thú y Thế giới công nhận.

 Giáo sư La Trúc Phương trước đây đã từng được trao tặng Giải thưởng Nghiên cứu Khoa học Sinh học xuất sắc của Hiệp hội Sinh học Trung Hoa, Giải thưởng Nghiên cứu xuất sắc của Hội đồng Khoa học Quốc gia thuộc Viện Hành chính, Giải thưởng danh dự Khoa học và Công nghệ xuất sắc của Viện Hành chính, Giải thưởng Khoa học Sinh học, Y học và Nông nghiệp lần thứ 51 của Bộ Giáo dục, Giải thưởng Tọa đàm Quốc gia về Khoa học Sinh học, Y học và Nông nghiệp lần thứ 12 của Bộ Giáo dục, Giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc Đài Loan lần thứ 5, v.v…
 

Đọc nhiều nhất

Tin bài mới