07/05/2024

Taiwan Today

Chính trị

Đoàn làm phim “Ảo thuật gia trên cây cầu bộ hành” chi 80 triệu Đài tệ nhằm tái hiện lại khu Trung tâm thương mại Trung Hoa

19/02/2020
Trong thời gian 1 năm, đoàn làm phim “Ảo thuật gia trên cây cầu bộ hành” của Đài truyền hình PTS đã đầu tư 80 triệu Đài tệ tại để xây dựng phim trường lớn nhất trong lịch sử phim truyền hình Đài Loan, tái hiện lại khung cảnh khu Trung tâm thương mại Trung Hoa thập niên 1980 (Ảnh do Công ty điện ảnh ATOM cung cấp)
 Thông tấn xã Trung ương (CNA) đưa tin: Bộ phim truyền hình Đài Loan “Ảo thuật gia trên cây cầu bộ hành” (The Magician on the Skywalk) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Minh Ích, kể về câu chuyện giữa 9 đứa trẻ và nhà ảo thuật trên cây cầu bộ hành ở Trung tâm thương mại Trung Hoa. Tiểu thuyết gốc đã được giới thiệu ra thế giới và gây được tiếng vang ở Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, v.v… Kịch bản truyền hình được chuyển thể bởi đạo diễn Dương Nhã Triết – người đã từng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Giải thưởng Kim Chung và giải Đạo diễn phim truyền hình hay nhất của Giải thưởng Kim Mã.

 Hầu hết bối cảnh chính của bộ phim diễn ra tại Trung tâm thương mại Trung Hoa, trọng tâm cuộc sống của người Đài Bắc thời bấy giờ. Trung tâm thương mại Trung Hoa khánh thành năm 1961, tồn tại trong suốt 30 năm ở khu vực từ đường Khởi Đoan nhất ở Bắc Môn kéo dài đến Tiểu Nam Môn với chiều dài 2km, gồm 8 tòa nhà 3 tầng liền nhau, cũng chính là đường dành riêng cho xe buýt ở khu Tây Môn Đinh (Ximending) ngày nay. Đây là tòa kiến trúc có diện tích lớn, hiện đại nhất hồi ấy, độ sầm uất, tấp nập có thể so với khu Trung tâm thương mại Tín Nghĩa bây giờ.

 Trong thời gian 1 năm, đoàn làm phim đã đầu tư 80 triệu Đài tệ tại diện tích 2 hecta ở khu Tịch Chỉ để xây dựng phim trường lớn nhất trong lịch sử phim truyền hình Đài Loan, tái hiện lại khung cảnh khu Trung tâm thương mại Trung Hoa thập niên 1980.

 Để tái hiện lại khu Trung tâm thương mại Quang Hoa, chỉ đạo nghệ thuật bộ phim – ông Vương Chí Thành đã dẫn đầu tổ mỹ thuật bắt đầu tiến hành khảo sát thực tế từ năm 2008, nội dung công việc bao gồm: Các loại cửa hàng ở Trung tâm thương mại Trung Hoa, bảng hiệu cửa hàng, các loại xe cộ hoạt động, khảo sát nghiên cứu chi tiết gác chắn tàu hỏa, gạch ốp tường, các loại quầy hàng, đời sống người dân, thậm chí đến điện thoại công cộng cũng đều phải nghiên cứu tỉ mỉ là loại nào, công trình khảo sát rất lớn và phức tạp. Ông Vương Chí Thành cho biết: “Thời gian có một ma lực, tôi đã thử biến ma lực đó thành hiện thực. Khi diễn viên lại được đưa vào môi trường này để lột tả, bản thân tôi đứng đó, toàn thân nổi da gà, thật là đẹp”.

 Đoàn làm phim đã huy động hơn 600 người, từ dựng cảnh đến bài trí, có đến 125 bảng hiệu cần vẽ tay, diện tích gạch vẽ tay cũng lên đến hơn 500m2, gạch đá dùng để lát sàn đá mài Terrazzo cũng cần gần 1.400m2 với hơn 15.000 tấm.

 Các cửa hàng tại khu thương mại ngày ấy bao gồm cửa hàng quần áo, các quán ăn vặt bình dân, cửa hàng giầy da, cửa hàng bán vật tư quân sự, cửa hàng băng đĩa, v.v.., đoàn làm phim cũng khôi phục như thật gần 50 cửa hàng và nhà ở, trong đó có lều để xe và đường ray xe lửa đã được đạo diễn Hầu Hiếu Hiền sử dụng khi quay phim “Luyến luyến phong trần” (Dust in the Wind). Thậm chí đến hướng của tòa nhà và vị trí bóng nắng được mặt trời chiếu rọi cũng giống hệt ngày xưa. Đoàn làm phim không chỉ khôi phục lại tòa kiến trúc mà hơn thế, còn là hơi thở của thời đại, sống động như thật.

 Sở Phát triển Kinh tế thành phố Tân Bắc cho biết: “Ảo thuật gia trên cây cầu bộ hành” là câu chuyện xuyên suốt có bối cảnh là Trung tâm thương mại Trung Hoa, lựa chọn cơ sở phát triển giai đoạn 2 của Công ty xây dựng Ung Hòa, Tịch Chỉ làm nơi tái hiện khung cảnh với mức độ khôi phục rất cao, được đánh giá là rất có giá trị về giáo dục và văn hóa.

 Sở Phát triển Kinh tế cho biết: Bộ phim sắp đóng máy nhưng Trung tâm thương mại Trung Hoa vẫn còn đọng lại trong ký ức của nhiều người. Đoàn làm phim dự định xã hội hóa gây quỹ để lưu giữ cho sinh viên khoa điện ảnh và truyền hình đến quay phim và là nơi để người dân đến ôn lại dấu tích của những tháng năm xưa.

 Do ý tưởng lưu giữ công trình liên quan đến việc gia hạn giấy phép xây dựng tạm thời; ngoài ra, bước đầu đánh giá cần khoản kinh phí lên đến 48 triệu Đài tệ phục vụ cho việc hoạt động và bảo trì, chiều 18/2, Thị trưởng thành phố Tân Bắc Hầu Hữu Nghi đã đi khảo sát thực tế công trình. Lãnh đạo thành phố rất ủng hộ việc ngành điện ảnh và truyền hình lưu lại các tài liệu nghe nhìn tại thành phố Tân Bắc. Trong tương lai, thành phố sẽ kết hợp chính sách thanh niên khởi nghiệp để hỗ trợ đoàn làm phim gây quỹ, lưu giữ bối cảnh trong 3 tháng. Nếu việc gây quỹ của đoàn làm phim diễn ra suôn sẻ và thu hút được các hoạt động triển lãm sáng tạo văn hóa, chẳng hạn như trình diễn thời trang thì sẽ không loại trừ việc gia hạn thời gian lưu giữ từ tháng 5 cho đến tháng 7 rồi mới tháo dỡ.
 

Đọc nhiều nhất

Tin bài mới