29/04/2024

Taiwan Today

Chính trị

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu trữ 4 tác phẩm tranh gốc của danh họa Picasso

02/09/2019
Ngày 30/8, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Liêu Tân Điền cho biết: 4 bức tranh in của Picasso được lưu trữ tại bảo tàng trước đây bị cho là tranh chép nhưng gần đây đã được các chuyên gia giám định là tác phẩm gốc của danh họa Picasso (Ảnh: CNA)
 Năm 1975, để tổ chức “Triển lãm danh họa Đông-Tây”, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (National Museum of History) đã đặc biệt ủy quyền cho các chuyên gia tư vấn là Phó Duy Tân và Trần Tuệ Khôn đến các viện bảo tàng trên khắp châu Âu mua tranh sao chép của Picasso để trưng bày.

 Hai vị cố vấn đã lần lượt đến châu Âu để mua các bức họa, trong đó có 4 bức bị trùng lặp. Sau khi triển lãm kết thúc, 72 tấm áp phích được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ năm 1977 và là những tài liệu quan trọng của Đài Loan trong mảng giáo dục nghệ thuật phương Tây thời kỳ đầu.

 Trong suốt 45 năm qua, các tác phẩm này không được trưng bày thêm lần nào. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ tiến hành trưng bày thông qua triển lãm trực tuyến. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã trao đổi với Bảo tàng Mỹ thuật Đài Nam, hy vọng sẽ trưng bày 4 tác phẩm gốc của Picasso để người dân được ngắm nhìn.

 Do phải đóng cửa để tu sửa, nâng cấp và kiểm tra toàn bộ các văn vật, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phát hiện trong số 72 bức áp phích và “tranh chép” của danh họa Picasso được các họa sĩ mua tại châu Âu vào năm 1975, có đến 3 bức tranh thạch bản và một tranh in là tranh gốc của Picasso.

 Đa số các tranh in này được Picasso thực hiện trong các dịp lễ, ví dụ như hai bức tranh thạch bản “The Youth Circle” (Vòng tròn tuổi trẻ) và “Dove with Sun” (Chim bồ câu và Mặt trời) được vẽ năm 1962, lần lượt được sử dụng làm bưu thiếp cho Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 8 vì hòa bình và hữu nghị tổ chức tại Helsinki, Phần Lan và áp phích quảng cáo “Hội nghị thế giới về giải trừ quân bị” tổ chức tại Moscow. Bức tranh in “The Dove” (Chim bồ câu hòa bình) được thực hiện cho Hội nghị hòa bình quốc tế Paris năm 1949. Ngoài ra có tranh thạch bản “Mother and Child” (Mẹ và con) được thực hiện năm 1963.
 
 Bảo tàng Lịch sử được thành lập vào năm 1955, khi đó rất khó mua hay mượn các tác phẩm gốc nên Giám đốc Bảo tàng đã mời các họa sĩ ở nước ngoài giúp đỡ sưu tầm các tác phẩm sao chép. Năm 1973, danh họa Picasso qua đời, để giúp người dân Đài Loan hiểu rõ về thành tựu của Picasso, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã mời họa sĩ du học tại Pháp lúc đó là bà Trần Tuệ Khôn và đại diện tại Bỉ, người rất am hiểu về hội họa là ông Phó Duy Tân mang các tác phẩm sao chép của Picasso về Đài Loan. Sau khi triển lãm kết thúc, các tác phẩm được lưu trữ tại bảo tàng.

 Tổ sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhận thấy một số áp phích được lưu trữ trông rất tinh tế, không giống như áp phích bình thường nên đã mời các chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu tranh in trong nước, trong đó có Giám đốc Trung tâm in tranh quốc tế của Đại học Sư phạm Đài Loan – ông Chung Hữu Huy tham gia giám định.

 Ông Chung Hữu Huy cho biết: Do có giai đoạn nạn tranh giả hoành hành tràn lan nên đến năm 1963, thế giới quy định tranh in phải có ghi chép về số lượng và được họa sĩ ký tên bằng bút chì. Những bức tranh in này của Picasso được thực hiện trước năm 1963 nên không có ghi chép về số lượng; tuy nhiên, khi in tranh ông đều ký tên lên trên. Các tác phẩm này đều có chữ ký của Picasso và đều được coi là tác phẩm gốc.

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)
 

Đọc nhiều nhất

Tin bài mới