02/05/2024

Taiwan Today

Chính trị

Viện Hành chính thông qua Dự thảo Luật Hôn nhân đồng giới

22/02/2019
Cuộc họp Viện Hành chính tổ chức ngày 21/2/2019 đã thông qua dự thảo Luật Hôn nhân đồng giới. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thái Thanh Tường (ảnh) trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo (Ảnh: CNA)

 Cuộc họp Viện Hành chính tổ chức ngày 21/2/2019 đã thông qua dự thảo “Luật thi hành số 748 về giải thích Hiến pháp của Viện Tư pháp” trong Luật Hôn nhân đồng giới, quy định hai người cùng giới tính tròn 18 tuổi có thể thiết lập quan hệ hôn nhân đồng giới. Luật Hôn nhân đồng giới sẽ được thực thi từ ngày 24/5/2019; tiếp sau đây, dự thảo luật sẽ được chuyển đến Viện Lập pháp thẩm định.
 

 Tham dự buổi họp báo được tổ chức sau cuộc họp Viện Hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thái Thanh Tường cho biết: Dự thảo “Luật thi hành số 748 về giải thích Hiến pháp của Viện Tư pháp” thuộc luật chuyên biệt, đồng thời cũng là luật đặc biệt.
 

 Dự thảo gồm 27 điều, quy định “Quan hệ hôn nhân đồng giới” là để chỉ hai người thuộc cùng giới tính, vì mục đích xây dựng cuộc sống chung, nên thiết lập quan hệ kết hợp vĩnh viễn mang tính thân mật và duy nhất. Sự thiết lập hay chấm dứt quan hệ hôn nhân đồng giới do hai bên đương sự tiến hành đăng ký bằng văn bản với cơ quan quản lý hộ khẩu, đồng thời có hai người trở lên ký tên làm chứng. Hai bên đương sự đều phải tròn 18 tuổi trở lên, người vị thành niên dưới 20 tuổi phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
 

 Quyền lợi và nghĩa vụ của người thiết lập quan hệ hôn nhân đồng giới được tham khảo từ quy định trong Luật Dân sự. Hai bên đương sự của quan hệ hôn nhân đồng giới cùng thực hiện các nghĩa vụ trong cuộc sống chung, nơi ở do hai bên cùng thỏa thuận; hai bên đương sự là người đại diện của nhau trong các cuộc sống gia đình hàng ngày; ngoại trừ pháp luật hoặc hợp đồng hôn nhân có quy định khác, chi phí sinh hoạt gia đình do hai bên cùng chia sẻ dựa trên khả năng kinh tế, làm việc nhà hoặc các công việc khác của mỗi bên, hai bên đương sự có trách nhiệm liên đới đối với các khoản nợ.
 

 Chế độ tài sản đối với hai bên đương sự trong hôn nhân đồng giới được phép áp dụng quy định có liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng được biên soạn trong Luật Dân sự. Trách nhiệm giám hộ, nuôi dưỡng, quyền lợi thừa kế, v.v… của hai bên đương sự đều được áp dụng theo các quy định liên quan trong Luật Dân sự.
 

 Để đảm bảo quyền lợi cho con ruột của một bên trong quan hệ đồng giới, dự thảo quy định đương sự có thể nhận nuôi con ruột của bên còn lại, cho phép áp dụng quy định về nhận nuôi con riêng trong Luật Dân sự.
 

 Các quy định chung của luật dân sự và các khoản nợ liên quan đến người hôn phối, vợ chồng, kết hôn và hôn nhân đều được áp dụng cho quan hệ hôn nhân đồng giới.
 

 Dự thảo còn quy định: Để gìn giữ luân thường đạo lý và tham khảo quy định trong Luật dân sự, nghiêm cấm người có quan hệ huyết thống, bao gồm người cùng dòng máu trực hệ, quan hệ thông gia của người thân trực hệ, họ hàng trong phạm vi 4 đời, người hôn phối hoặc thông gia của họ hàng trong phạm vi 5 đời, người thuộc các đời khác nhau đều không được thiết lập quan hệ hôn nhân đồng giới. Người giám hộ và người bị giám hộ thuộc cùng giới tính cũng không được thiết lập hôn nhân đồng giới trong khi quan hệ giám hộ vẫn đang tồn tại.
 

 Dự thảo cũng nghiêm cấm người đã có vợ (hoặc chồng) hoặc người đã kết hôn đồng giới không được thiết lập quan hệ hôn nhân đồng giới hoặc kết hôn với người khác giới thêm lần nữa.
 

 Ngoài ra, dự thảo cũng đặc biệt đề cập: Bất kỳ cá nhân hay đoàn thể nào cũng đều được hưởng quyền tự do tôn giáo và các quyền lợi tự do khác, không chịu ảnh hưởng bởi việc thực thi Luật Hôn nhân đồng giới.
 

 Bộ trưởng Thái Thanh Tường cho biết: Hôn nhân xuyên quốc gia là tình hình tương đối phức tạp, dự thảo luật lần này chưa đưa ra hết mọi tình huống. Về vấn đề hỗ trợ sinh sản, cơ quan chủ quản là Bộ Y tế-Phúc lợi, do pháp luật hiện hành chưa cho phép, nên dự thảo luật cũng chưa cho phép hỗ trợ sinh sản.
 

 Theo quy định về hôn nhân dị tính trong Luật Dân sự, nếu người Đài Loan kết hôn với người nước ngoài thì cũng thuộc phạm trù Luật dân sự liên quan đến người nước ngoài. Luật chuyên biệt lần này chưa bao gồm hôn nhân đồng giới xuyên quốc gia vì điều này liên quan đến phạm vi áp dụng của Luật dân sự liên quan đến người nước ngoài và phải được Viện Tư pháp xem xét.
 

 Về vấn đề nếu một bên trong hôn nhân đồng giới đã nhận con nuôi trước khi kết hôn thì sau khi kết hôn người bạn đời có được cùng nhận nuôi hay không, ông Thái Thanh Tường nói: Hiện nay, điều mà Luật Hôn nhân đồng giới quan tâm là vấn đề quyền lợi của con ruột, vấn đề phát sinh khi nhận con nuôi là rất lớn nên “tạm thời không xem xét”.
 

 Ông Thái Thanh Tường cho biết: Luật Hôn nhân đồng giới chưa xem xét mọi tình huống mà chủ yếu là sự hồi đáp kết quả trưng cầu dân ý và sự giải thích của các đại thẩm phán, trên thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề và cũng còn nhiều điều cần khắc phục. Giai đoạn đầu, Bộ Tư pháp đề xuất luật chuyên biệt trước, sau này nếu cần thiết, không loại trừ sẽ tiến hành sửa đổi lại một lần nữa.

 

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)

Đọc nhiều nhất

Tin bài mới