28/04/2024

Taiwan Today

Chính trị

Tổng thống Thái Anh Văn khẳng định lập trường của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trước bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

03/01/2019
Chiều 2/1/2019, Tổng thống Thái Anh Văn khẳng định lập trường của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trước việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm đưa ra “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, nhấn mạnh Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận chính sách “Nhận thức chung 1992” và phương án “một quốc gia, hai chế độ” (Ảnh: CNA)

 Chiều 2/1/2019, tại Phòng Khánh tiết của Phủ Tổng thống, Tổng thống Thái Anh Văn đã có bài phát biểu về lập trường của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trước việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm đưa ra “Thư gửi đồng bào Đài Loan”.
 

 Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Thái Anh Văn như sau:
 

 Chào đồng bào nhân dân cả nước, chào các bạn truyền thông, xin chào tất cả mọi người!
 

 Sáng nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu nhân cái gọi là kỷ niệm 40 năm sự kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, đưa ra nội dung liên quan đến việc thăm dò phương án “một quốc gia, hai chế độ” đối với Đài Loan. Với cương vị là Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, tôi cần nói rõ lập trường của chúng ta tại đây.
 

 Trước tiên, tôi phải trịnh trọng chỉ rõ: Từ trước tới nay, chúng ta chưa bao giờ chấp nhận “Nhận thức chung 1992”, nguyên nhân cơ bản là do “Nhận thức chung 1992” mà nhà cầm quyền Bắc Kinh định nghĩa thực ra là chính sách “một Trung Quốc”, “một quốc gia, hai chế độ”. Bài phát biểu trong ngày hôm nay của nhà lãnh đạo bên kia bờ eo biển đã chứng thực những nghi ngại của chúng ta. Tại đây tôi cần nhắc lại, Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, tuyệt đại đa số người dân Đài Loan cũng kiên quyết phản đối phương án “một quốc gia, hai chế độ” và đây chính là “Nhận thức chung Đài Loan”.
 

 Tiếp theo, chúng ta đồng ý cùng trao đổi, thảo luận, nhưng là một quốc gia dân chủ, bất kỳ cuộc đàm phán, hiệp thương chính trị nào liên quan đến hai bờ eo biển đều phải được sự ủy quyền và giám sát của nhân dân Đài Loan, đồng thời phải do chính phủ hai bờ tiến hành theo phương thức chính phủ đàm phán với chính phủ. Dưới nguyên tắc này, không có bất kỳ người nào, bất kỳ tổ chức nào có quyền đại diện cho nhân dân Đài Loan tiến hành hiệp thương chính trị.
 

 Sự phát triển quan hệ giữa hai bờ eo biển, như tôi đã nêu rõ trong bài phát biểu ngày đầu năm mới, đó là Trung Quốc phải nhìn thẳng vào sự thật về sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) chứ không phải phủ định thể chế quốc gia dân chủ do nhân dân Đài Loan cùng chung tay xây dựng. Thứ hai, Trung Quốc phải tôn trọng sự kiên quyết của 23 triệu dân Đài Loan đối với tự do, dân chủ, chứ không phải là dùng thủ đoạn phân hóa, dụ dỗ để tác động vào sự lựa chọn của nhân dân Đài Loan.
 

 Thứ ba, phải xử lý những khác biệt giữa hai bên bằng phương thức hòa bình và bình đẳng chứ không phải là chèn ép, hăm dọa với âm mưu khuất phục nhân dân Đài Loan. Thứ tư, phải là chính phủ hoặc cơ quan công quyền được chính phủ ủy quyền cùng tiến hành trao đổi, đàm phán. Bất cứ cuộc hiệp thương chính trị nào chưa được nhân dân ủy quyền và giám sát thì đều không thể gọi là “Hiệp thương dân chủ”. Đây chính là lập trường của Đài Loan, là lập trường của nền dân chủ.
 

 Chúng ta đồng ý tiến hành trao đổi, giao lưu giữa hai bờ eo biển một cách có trật tự và lành mạnh trên cơ sở “củng cố dân chủ” và “tăng cường an ninh quốc gia”. Tôi cũng cần nhắc lại rằng Đài Loan rất cần thiết lập ba mạng lưới bảo vệ cho sự trao đổi, giao lưu giữa hai bờ eo biển. Đó chính là an ninh dân sinh, an ninh thông tin và cơ chế giám sát dân chủ.
 

 Kinh tế và thương mại giữa hai bờ eo biển phải cùng có lợi và cùng phát triển, nhưng chúng ta phản đối việc Bắc Kinh lấy sự “có lợi cho Trung Quốc” làm trọng tâm, thực hiện cuộc chiến thống nhất kinh tế bằng cách dụ dỗ và thu hút công nghệ, nguồn vốn và nhân tài của Đài Loan “đầu tư vào Trung Quốc đại lục”. Chúng ta sẽ nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy các chiến lược và biện pháp “tăng cường sức mạnh của Đài Loan”, củng cố lộ trình phát triển kinh tế lấy Đài Loan làm chủ thể, Đài Loan được ưu tiên hàng đầu.
 

 Hai năm qua, Đài Loan đã thực hiện đầy đủ mọi trách nhiệm của một thành viên trong khu vực, tích cực đóng góp cho hòa bình vào ổn định giữa hai bờ eo biển và trong khu vực. Chúng ta không gây hấn, nhưng kiên trì nguyên tắc, chúng ta chịu đựng mọi sự chèn ép, nhưng chúng ta chưa từng từ bỏ lập trường cơ bản và cam kết đối với quan hệ giữa hai bờ eo biển. Tôi cần nhắc nhở nhà cầm quyền Bắc Kinh, nước lớn phải có sự ứng xử của nước lớn, phải có trách nhiệm của nước lớn, cộng đồng quốc tế cũng đang nhìn xem Trung Quốc có thể thay đổi để trở thành đối tác đáng tin cậy hay không. “Bốn điều phải” này chính là cơ sở cơ bản nhất và mấu chốt nhất quyết định quan hệ giữa hai bờ eo biển có phát triển được theo hướng tích cực hay không.
 

 Cái gọi là hòa hợp tâm hồn phải được xây dựng dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên, được xây dựng dựa trên việc chính phủ hai bờ eo biển cùng xử lý những vấn đề liên quan đến phúc lợi của nhân dân. Ví dụ như dịch tả lợn châu Phi đang vô cùng cấp thiết hiện nay. Việc gây sức ép để bắt các doanh nghiệp quốc tế sửa đổi tên gọi Đài Loan sẽ không mang lại sự hòa hợp tâm hồn, việc mua đi các nước bang giao của Đài Loan cũng không mang lại sự hòa hợp tâm hồn, việc cử các máy bay quân sự và tàu chiến lượn quanh Đài Loan càng không thể mang đến sự hòa hợp tâm hồn.
 

 Cuối cùng, tôi cần nhắc lại, kết quả cuộc bầu cử 9 trong 1 tuyệt đối không đại diện cho việc dân ý Đài Loan muốn từ bỏ chủ quyền, cũng không đại diện cho việc nhượng bộ vấn đề mang tính chủ thể của Đài Loan.
 

 Giá trị của dân chủ là những giá trị và lối sống được nhân dân Đài Loan trân trọng. Chúng tôi cũng kêu gọi Trung Quốc dũng cảm bước đi bằng bước chân của nền dân chủ, chỉ có như vậy mới có thể thực sự thấu hiểu được những suy nghĩ và sự kiên quyết của người Đài Loan.
 

Đọc nhiều nhất

Tin bài mới