Nhật Bản có vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Nhằm đẩy nhanh hợp tác xuyên biên giới giữa Đài Loan và Nhật Bản trong lĩnh vực AI, chất bán dẫn và ứng dụng AI, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTC) đã tổ chức “Diễn đàn AI và Chất bán dẫn 2024” (2024 AI & Semiconductor Forum) trong thời gian diễn ra Triển lãm SEMICON JAPAN để các chuyên gia chia sẻ xu hướng hợp tác trong ngành AI và ngành bán dẫn giữa Đài Loan và Nhật Bản.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia Tô Chấn Cương cho biết: Khi thế giới phải đối mặt với những thách thức to lớn như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và già hóa dân số, v.v..., sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn và các giải pháp AI đang mang đến những cơ hội mới cho các ngành nghề trên toàn cầu. Đài Loan, với chuỗi ngành nghề và công nghệ bán dẫn hàng đầu, cũng như khả năng tích hợp cao trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông, sẽ chia sẻ công nghệ với thế giới để mở rộng các cơ hội kinh doanh và đổi mới sáng tạo, trở thành lực lượng chủ chốt trong việc nâng cấp và chuyển đổi ngành nghề của thế giới. Đài Loan và Nhật Bản có nền tảng tốt về sự tin cậy lẫn nhau và kinh nghiệm hợp tác, trong tương lai sẽ hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn trong ngành bán dẫn và ứng dụng AI để tạo nên cục diện hai bên cùng có lợi.
Chủ tịch Công ty Công nghệ CMSC – ông Trần Trọng Nghĩa phát biểu về chủ đề “Thiết kế IC – Thách thức và cơ hội chung của Đài Loan và Nhật Bản”. Ông chỉ ra rằng ngành vi mạch của Đài Loan và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng, phải cùng nhau tìm hiểu các cơ hội kinh doanh trên thị trường toàn cầu và hoạt động thực tế xuyên quốc gia thì mới có thể phát triển chip và giải pháp AI đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới.
Phó Chủ tịch Công ty Delta Electronics Nhật Bản – ông Hiramatsu Shigeyoshi có bài phát biểu với tiêu đề “Nhật Bản và Đài Loan hợp tác xây mới nhà máy sản xuất chất bán dẫn quy mô lớn”. Từ kinh nghiệm thực tế về việc xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn, ông chia sẻ về quá trình hợp tác, từ cách lập kế hoạch, sắp xếp lịch trình thực hiện, đưa thiết bị vào nhà máy, cho đến điều chỉnh vận hành, v.v... để đạt được mục tiêu cùng xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn.
Phát biểu bài chuyên đề “Tương lai của chất bán dẫn và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế”, Giáo sư Tadahiro Kuroda của Đại học Tokyo chỉ ra rằng việc phát triển ngành bán dẫn cần có sự hợp tác quốc tế trong ngành công nghệ toàn cầu chứ không có quốc gia đơn lẻ nào có thể tự đạt được, bên cạnh các nghiên cứu cơ bản, còn phải bồi dưỡng nhân tài và mở rộng việc tiếp nhận các đối tác trên thế giới.
Tổng biên tập Thời báo DIGITIMES – ông Hoàng Khâm Dũng đề cập việc các nước Đông Á đều muốn thông qua công nghệ AI để nâng cao khả năng cạnh tranh, trong khi thiết bị đầu cuối AI, bao gồm ô tô, điện thoại di động, máy tính cá nhân và máy tính công nghiệp, v.v... đều là những sản phẩm mà ngành bán dẫn, máy chủ và ngành công nghệ thông tin của Đài Loan có thể phát huy thế mạnh. Do đó, chuỗi cung ứng của Đài Loan không thể bỏ qua nhu cầu mua sắm và triển khai AI của các nước Đông Á.
Trong buổi tọa đàm cuối cùng của diễn đàn, các chuyên gia đã trao đổi về các vấn đề như sự phát triển của công nghệ bán dẫn trong kỷ nguyên AI, chiến lược hợp tác trong ngành bán dẫn giữa Đài Loan và Nhật Bản, đổi mới AI, v.v... Diễn dàn cũng chỉ ra rằng chính phủ cần tăng cường bồi dưỡng nhân tài về AI và ngành bán dẫn trong chiến lược giáo dục để tiếp tục duy trì khả năng cạnh tranh trong kỷ nguyên AI. Trong tương lai, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia sẽ tổ chức cuộc thi “IC Taiwan Grand Challenge, ICTGC”, sử dụng lợi thế dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất, đóng gói và thử nghiệm chip bán dẫn, kết hợp với các công nghệ chủ chốt như AI tạo sinh để phát triển các ứng dụng và đổi mới, tiếp nhận rộng rãi nhân tài ngành AI và ngành bán dẫn từ khắp nơi trên thế giới hợp tác với ngành công nghệ Đài Loan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Đài Loan.