Chiều ngày 20 tháng 11, tại Phủ Tổng thống đã tiến hành tổ chức họp báo sau khi Phái đoàn tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC về nước. Đại diện lãnh đạo – ông Lâm Tín Nghĩa đã cùng các thành viên đã báo cáo tình hình tổng thể và những thành quả đạt được tại Hội nghị APEC năm nay.
Đại diện Lâm Tín Nghĩa cho biết, ông vô cùng vinh dự nhận sự giao phó của Tổng thống làm đại diện lãnh đạo tham gia Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm nay. Với sự hợp tác giữa các bộ ngành, quá trình tham gia Hội nghị thành công, thuận lợi, đạt được những thành quả nhất định, nâng cao một cách có hiệu quả hình ảnh Đài Loan tại APEC.
Ông Lâm Tín Nghĩa cho biết, nội dung thảo luận của hội nghị lần này phong phú và đa dạng, lãnh đạo các nước thành viên đều rất quan tâm đến những thách thức mà toàn thế giới phải cùng đối mặt, tích cực đưa ra các ý kiến trao đổi, hy vọng tập hợp lại những cách nhìn chung, từ đó xây dựng nguyên tắc chỉ đạo hợp tác. Những thách thức này bao gồm sự biến đổi về địa chính trị, y tế công cộng, khủng hoảng năng lượng, lạm phát, an toàn lương thực, xé lẻ chuỗi cung ứng, toàn cầu hóa địa phương và biến đổi khí hậu. Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng đã cảnh báo trong cuộc họp kín rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang làm suy yếu hội nhập kinh tế toàn cầu và đà tăng trưởng thương mại.
Trong các cuộc họp liên quan, ông Lâm Tín Nghĩa đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Đài Loan, chỉ ra mô hình kinh tế thương mại truyền thống làm tăng chêch lệch giàu nghèo, nhắc nhở lãnh đạo các nền kinh tế khác coi trọng chất lượng phát triển kinh tế và tầm quan trọng của tăng trưởng bao trùm.
Ông Lâm Tín Nghĩa và thành viên phái đoàn đã hoàn thành ba nhiệm vụ mà Tổng thống giao phó: Thứ nhất, truyền tải việc Đài Loan tích cực đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Nền kinh tế các nước đều rất quan tâm đến thành tựu của Đài Loan trong các lĩnh vực như AI, y tế kỹ thuật số, chất bán dẫn, chuyển đổi năng lượng và khả năng phục hồi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ hai: Đài Loan ủng hộ trật tự thương mại quốc tế công bằng và toàn diện hơn.
Thứ ba: Đài Loan sẵn sàng thúc đẩy phát triển thương mại số với các nền kinh tế khác. Thương mại kỹ thuật số đã trở thành một khâu quan trọng trong thương mại toàn cầu, Đài Loan tự tin có thể tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế và sự thịnh vượng toàn cầu bằng năng lực kỹ thuật số đáng tự hào của mình.
Ông Lâm Tín Nghĩa cũng đã thay mặt Chính phủ, tuyên bố trao tặng 1 triệu USD để ủng hộ APEC nghiên cứu năng lượng, tài trợ cho sáng kiến trong các lĩnh vực “An ninh con người”, “Đổi mới kỹ thuật số”, “Trao quyền cho phụ nữ”, hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nền kinh tế đang phát triển. Khoản tài trợ này không chỉ thể hiện vai trò tích cực của Đài Loan trong việc dẫn đầu các vấn đề liên quan, mà còn giúp Đài Loan phát huy ảnh hưởng quan trọng trong tiến trình phát triển toàn cầu.
Ông Lâm Tín Nghĩa nhấn mạnh, Đài Loan luôn thể hiện mong muốn chia sẻ kinh nghiệm phát triển với các nước trên thế giới với tinh thần bao dung và hợp tác; mong rằng trong tương lai sẽ tăng cường trao đổi với các nền kinh tế APEC về nhiều vấn đề hơn nữa để cùng ứng phó với những thách thức toàn cầu, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực. Sau đó, ông Lâm Tín Nghĩa đã lần lượt trả lời các câu hỏi của giới truyền thông về các vấn đề như làm thế nào tăng cường quan hệ Đài Loan-Nhật Bản, cảm nhận sau 19 năm lại tham dự APEC và quan hệ Đài Loan-Mỹ.