Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Tạp chí TIME, Tổng thống Lại Thanh Đức đã trả lời câu hỏi của giới truyền thông về các vấn đề liên quan đến ngoại giao, quan hệ hai bờ eo biển, ngành công nghiệp bán dẫn và sự phát triển kinh tế của Đài Loan.
Nội dung chính cuộc phỏng vấn như sau:
Hỏi: Ông đã chuẩn bị những công việc gì trong 4 tháng kể từ khi đắc cử?
Tổng thống: Trong 4 tháng qua, điều quan trọng nhất là bàn giao công việc với cựu Tổng thống Thái Anh Văn, bao gồm các vấn đề đối ngoại, quốc phòng, hai bờ eo biển và một số vấn đề lớn trong nước. Tôi đã thành lập nội các và bổ nhiệm các nhân tài, không phân biệt đảng phái. Cho đến nay, phản ứng từ xã hội rất tốt.
Hỏi: Nói về những trở ngại, ông có lo lắng về sự công nhận của quốc tế đối với Đài Loan và số lượng đồng minh ngoại giao ngày càng giảm?
Tổng thống: Đài Loan luôn chân thành và đề cao nguyên tắc cùng có lợi để trao đổi và hợp tác với các đồng minh ngoại giao. Chúng tôi trân trọng tình hữu nghị của mọi quốc gia mà chúng tôi có quan hệ ngoại giao, cũng như cảm ơn họ đã lên tiếng bảo vệ Đài Loan trong cộng đồng quốc tế, giúp Đài Loan giành cơ hội tham gia các tổ chức quốc tế. Chúng tôi cũng rất coi trọng chương trình hợp tác giữa Đài Loan và các đồng minh ngoại giao vì điều này có ích cho người dân các nước. Nguyên tắc này là lập trường của Đài Loan, cho dù đảng phái nào lên nắm quyền.
Hỏi: Việc chọn cựu Trưởng đại diện Đài Loan tại Mỹ - bà Tiêu Mỹ Cầm là Phó Tổng thống có nghĩa là quan hệ Đài Loan-Mỹ sẽ có tầm quan trọng mới đối với chính phủ của ông?
Tổng thống: Phó Tổng thống Tiêu Mỹ Cầm không chỉ là đại sứ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) tại Mỹ giỏi nhất trong lịch sử, mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Vì vậy, sau khi trở thành phó tổng thống, bà Tiêu Mỹ Cầm sẽ giúp chính phủ mới tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ. Tôi tin rằng hợp tác thực chất về quân sự, quốc phòng, kinh tế và thậm chí nhiều hoạt động trao đổi khác sẽ tiếp tục được tiến hành một cách thuận lợi.
Hỏi: Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, ông đã đề cập rằng cần khôi phục đối thoại giữa hai bờ eo biển, trao đổi thương mại và giáo dục nhưng những điều trên phải dựa trên sự tôn nghiêm và bình đẳng. Ông định nghĩa “sự tôn nghiêm và bình đẳng” với Trung Quốc như thế nào?
Tổng thống: Đầu tiên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) nên thừa nhận sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và phải chân thành trong trao đổi, hợp tác với chính phủ hợp pháp do nhân dân Đài Loan bầu ra. Thứ hai, mọi vấn đề đều phải có lợi cho cả hai bên. Thứ ba, khi Trung Quốc và Đài Loan tham gia trao đổi và hợp tác với nhau, hai bên đều phải có niềm tin chung để nâng cao phúc lợi của người dân ở hai bờ eo biển, hướng tới mục tiêu hòa bình và thịnh vượng chung trong tương lai.
Hỏi: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 4. Ông có lo lắng rằng ông Tập Cận Bình đang trở nên liều lĩnh và thiếu kiên nhẫn trong việc giải quyết cái gọi là vấn đề Đài Loan?
Tổng thống: Hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là yếu tố thiết yếu của an ninh và thịnh vượng thế giới. Trong bài diễn văn nhậm chức, tôi đã truyền đạt tới cộng đồng quốc tế bốn cam kết của cựu Tổng thống Thái Anh Văn, không nhượng bộ, không khiêu khích, duy trì hiện trạng và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Đài Loan. Tôi cũng kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiểu rõ rằng việc tạo ra tranh chấp ở eo biển Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và không được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Tôi mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Đài Loan gánh vác trách nhiệm vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, mang lại lợi ích cho hòa bình thế giới.
Hỏi: Đài Loan đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu với 90% chip tiên tiến nhất được sản xuất tại Đài Loan. Mỹ đã hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc, đồng thời một số doanh nghiệp Đài Loan như TSMC được hưởng lợi từ Đạo luật CHIPS của Mỹ, tiếp tục phân tán hoạt động, có thể sẽ sang Mỹ và rời khỏi Trung Quốc. Ông có cho rằng điều này sẽ làm tăng nguy cơ xung đột?
Tổng thống: Trong thời đại công nghệ thông minh, chất bán dẫn là sản phẩm công nghiệp vô cùng quan trọng. Trong tương lai, nếu tất cả các khía cạnh của cuộc sống đều cần đến công nghệ tiên tiến và thông minh thì chắc chắn sẽ không thể thiếu chất bán dẫn. Đài Loan tham gia thiết kế vi mạch, sản xuất tấm bán dẫn, đóng gói và thử nghiệm cuối dây chuyền, nhưng nguyên liệu thô lại phân tán ở các quốc gia khác. Ví dụ: linh kiện, thiết bị và công nghệ nằm rải rác ở Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan. Vì vậy đây là một ngành có sự phân công lao động toàn cầu.
Việc phân phối của các công ty bán dẫn chịu tác động bởi những thay đổi địa chính trị, cách bố trí chuỗi cung ứng toàn cầu mới không nhằm vào một quốc gia nào. Vì vậy, tôi cho rằng điều này sẽ không làm tăng nguy cơ xung đột.
Hỏi: Về tình hình trong nước, đối mặt với vấn đề kinh tế tăng trưởng chậm lại, giá cả tăng cao và tiền lương trì trệ, ông có kế hoạch gì để giúp đỡ người dân Đài Loan?
Tổng thống: Tôi rất coi trọng mức lương và cuộc sống của người lao động, mong muốn mang lại cho thế hệ trẻ một tương lai tốt đẹp hơn. Vì vậy, tôi sẽ thực thi Luật lương cơ bản đã được thông qua trong nhiệm kỳ của Tổng thống Thái Anh Văn, tăng lương cơ bản dựa trên tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hoặc mức gia tăng vật giá. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta phải giúp các ngành nghề nâng cấp và nền kinh tế có khả năng chuyển đổi.
Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, tôi đã nêu ra 3 phương hướng phát triển kinh tế trong tương lai. Thứ nhất là hướng tới tương lai, thông minh và bền vững, tức là chúng ta phải sử dụng công nghệ để giải quyết biến đổi khí hậu và ứng phó với sự ra đời của kỷ nguyên thông minh toàn cầu, để không những thúc đẩy kinh tế đổi mới, mà còn tạo ra một Đài Loan mới thông minh và bền vững. Thứ hai là mở rộng ngành công nghiệp vũ trụ, khám phá tương lai, bao gồm phát triển vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp và trung bình, cũng như thiết bị bay không người lái. Ngoài ra, phải sử dụng thế mạnh hàng hải để giúp các ngành nghề phát triển sâu rộng theo nhiều hướng hơn nữa. Thứ ba là cải thiện môi trường đầu tư của Đài Loan, chăm sóc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời hỗ trợ các ngành nghề Đài Loan vươn ra toàn cầu để nền kinh tế Đài Loan ngày càng phát triển lớn mạnh, tạo ra môi trường thuận lợi và nâng cao mức lương.
Với Dự án Hy vọng quốc gia, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn vào xã hội, chăm sóc cho cả người trẻ và người già, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chăm lo cuộc sống và tương lai của thế hệ trẻ.