Ngày 23/2, Thông tấn xã Trung ương (CNA) đưa tin: Theo quy định trong Luật Bác sĩ, các bác sĩ có nghĩa vụ phải tuân thủ mọi sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản trong việc phòng chống thiên tai, sự cố và các bệnh truyền nhiễm theo quy định. Luật Y tế cũng quy định, khi xảy ra thảm họa lớn, các cơ sở y tế phải tuân thủ sự chỉ đạo, phái cử của cơ quan chủ quản, cung cấp dịch vụ y tế và hỗ trợ về y tế công cộng, không được trốn tránh, cản trở hoặc từ chối.
Phát biểu tại cuộc họp báo tổ chức vào chiều ngày 23/2, Lãnh đạo Trung tâm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trần Thời Trung đã tuyên bố: Nhằm ứng phó tình hình dịch bệnh Covid-19 (dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán) trên toàn cầu, cân nhắc tình hình nhân lực y tế, trong tuần tới Trung tâm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trung ương sẽ tổ chức một cuộc họp để điều chỉnh và chuẩn bị, ngoại trừ các trường hợp đã được phê chuẩn, các nhân viên y tế sẽ không được đi ra nước ngoài.
Vụ trưởng Vụ Y tế thuộc Bộ Y tế-Phúc lợi – ông Thạch Sùng Lương cho biết: Các chi tiết liên quan của chính sách nói trên sẽ được thực thi sau khi triệu tập bệnh viện các cấp và giám đốc các bệnh viện đến dự cuộc họp vào ngày 25/2 để thảo luận và xác nhận việc thực hiện chứ không thực hiện ngay từ ngày 23/2.
Trọng tâm của công tác phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, thứ nhất là khống chế sự phát triển dịch bệnh, tránh làm gia tăng nhu cầu về y tế; thứ hai là giảm thiểu sự hao tổn về nhân lực y tế vì việc thay thế nhân lực y tế không dễ dàng, cần giảm bớt cơ hội cách ly tại nhà đối với các trường hợp bị lây nhiễm do tiếp xúc hoặc kiểm dịch tại nhà đối với những trường hợp có lịch trình du lịch.
Theo quy định hiện nay của Trung tâm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trung ương, có 3 nhóm người cần phải quản lý y tế, bao gồm: Những người cần cách ly tại nhà do tiếp xúc với ca bệnh đã bị xác nhận; những người cần kiểm dịch tại nhà do đã đi du lịch Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macau; những người cần phải tự quản lý sức khỏe do đã từng đến các quốc gia bị nâng cao cảnh báo du lịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan.
Nếu nhân viên y tế không thể đi làm do các tình huống nói trên thì sẽ gây tác động lớn đến nguồn nhân lực y tế, gây khó khăn cho việc điều động, thậm chí có thể vì vậy mà gây rủi ro cho các phòng bệnh. Do đó, hy vọng nhân viên y tế ra nước ngoài phải được sự phê chuẩn chủ yếu là do cân nhắc đến việc điều động nhân viên và khống chế lây nhiễm trong bệnh viện, hạn chế việc ra nước ngoài trong chừng mực hợp lý.
Hướng dẫn lập kế hoạch sơ bộ: Các nhân viên y tế bị hạn chế chủ yếu là nhân viên lâm sàng tuyến đầu của bệnh viện, việc điều chỉnh tùy theo tình hình nhân lực tại các bệnh viện, nhân viên các phòng khám không thuộc phạm vi bị hạn chế.
Các khu vực bị hạn chế bao gồm nghiêm cấm đến Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macau do các nơi này có rủi ro rất cao, nếu lỡ bị lây nhiễm sẽ lại phải tiến hành điều tra theo dõi dịch bệnh sau đó. Đối với các khu vực cảnh báo du lịch khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v…, “tốt nhất không nên đi”, nếu cần phải đi như yêu cầu công việc hoặc tham gia hội nghị y tế thường niên thì có thể thực hiện sau khi được phê chuẩn chứ không nghiêm cấm hoàn toàn.
Cho dù nhân viên y tế có đi ra nước ngoài hay không, cần tôn trọng sự điều động của lãnh đạo quản lý các bệnh viện, giám đốc bệnh viện có quyền phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Nếu không có vấn đề gì về nhân lực, đương nhiên có thể phê chuẩn. Cơ quan trung ương chỉ đưa ra hướng dẫn, hy vọng tránh để việc điều động bị mất hiệu quả và thậm chí buộc phải thu hẹp các dịch vụ y tế, mỗi bệnh viện có thể căn cứ khả năng của mình để đặt ra quy định có liên quan.