Chiều ngày 24/4, Tổng thống Lại Thanh Đức đã chủ trì “Hội nghị lần thứ 4 của Ủy ban quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tổng thống cho biết: Chính phủ sẽ thực hiện hệ thống định giá carbon, lập kế hoạch cẩn thận cho CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) phiên bản Đài Loan, hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện cơ sở dữ liệu dấu chân carbon của sản phẩm, đồng thời thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và quốc tế hóa ngành công nghiệp để xây dựng “Thương hiệu Đài Loan xanh”. Đài Loan cũng sẽ tận dụng ảnh hưởng của thị trường tài chính để thúc đẩy các hành động bền vững trong toàn xã hội và mở rộng khả năng đào tạo nhân tài trẻ, tạo nền tảng cho tương lai bền vững của Đài Loan.
Tổng thống nhấn mạnh: Cho dù môi trường bên ngoài có thay đổi thế nào thì chuyển đổi xanh và phát triển bền vững vẫn là nền tảng cho sự thịnh vượng lâu dài của đất nước. Chính phủ sẽ hợp tác với khu vực tư nhân để biến khủng hoảng thành cơ hội, tích cực giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi Net-Zero, cùng thúc đẩy chuyển đổi có trật tự để đưa đất nước tiến lên, giúp Đài Loan mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn và kiên cường hơn, để lại một quê hương thịnh vượng và bền vững cho các thế hệ tương lai.
Nội dung chính bài phát biểu của Tổng thống như sau:
Trước tiên, tôi xin cảm ơn các cố vấn và thành viên Ủy ban quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã tích cực tham gia và đề xuất những kiến nghị có giá trị cho việc đưa ra các mục tiêu giảm phát thải mới và tiếp tục hướng tới tầm nhìn phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và định hình lại cục diện thương mại quốc tế, các thảm họa thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên trên khắp thế giới và nhu cầu giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng quốc tế tiếp tục mở rộng. Gần đây, Chính phủ Mỹ đưa ra chính sách thuế quan mới, gây ra nhiều thách thức cho các ngành nghề của Đài Loan.
Do các ngành nghề đang phải đối mặt với tình hình hoạt động thiếu ổn định nên khu vực tư nhân vẫn đang quan sát, theo dõi vấn đề giảm phát thải carbon và ESG. Chính phủ đang tích cực đánh giá tình hình và liên tục điều chỉnh chính sách để hỗ trợ các ngành nghề.
Tuy nhiên, cho dù môi trường bên ngoài có thay đổi thế nào thì chuyển đổi xanh và phát triển bền vững vẫn là nền tảng cho sự thịnh vượng lâu dài của đất nước. Chúng ta phải kiên trì các chiến lược hướng tới tương lai để thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình carbon thấp và phát triển bền vững các ngành nghề trong nước, xây dựng chuỗi cung ứng xanh hoàn chỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và củng cố sức mạnh quốc gia.
Chính phủ sẽ hợp tác với khu vực tư nhân để biến khủng hoảng thành cơ hội, tích cực giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi Net-Zero, cùng thúc đẩy chuyển đổi có trật tự để đưa đất nước tiến lên, giúp Đài Loan mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn và kiên cường hơn.
Tại hội nghị hôm nay, Bộ Môi trưởng và Ủy ban Giám sát Tài chính sẽ lần lượt báo cáo về “Ứng phó với những thay đổi, nắm bắt cơ hội cho quá trình chuyển đổi xanh” và “Tài chính xanh và chuyển đổi: Hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Đài Loan”, giải thích đội ngũ hành chính làm thế nào để tăng cường quản trị khí hậu và hỗ trợ các tầng lớp xã hội đối mặt với những thách thức, hội nhập thế giới và nắm bắt cơ hội, cùng hướng tới một tương lai mới bền vững, phát thải carbon thấp.
Chính phủ cũng sẽ thực hiện hệ thống định giá carbon phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tránh để các ngành công nghiệp carbon cao bị áp thuế trừng phạt, bảo vệ lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Chúng ta cũng lập kế hoạch cẩn thận cho CBAM phiên bản Đài Loan để duy trì các điều kiện cạnh tranh trong nước hợp lý và công bằng.
Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu dấu chân carbon của sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu quốc tế, đồng thời tích hợp các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và quốc tế hóa ngành công nghiệp để xây dựng “Thương hiệu Đài Loan xanh”.
Ngành tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi Net-Zero, thông qua các công cụ đầu tư đa dạng và các sản phẩm tài chính, đồng thời đưa ESG vào đánh giá tín dụng, có thể thúc đẩy các doanh nghiệp và công chúng chú ý đến rủi ro khí hậu, hỗ trợ phát triển các ngành carbon thấp, từ đó thúc đẩy toàn xã hội hành động bền vững.
Đài Loan là thị trường tài chính quan trọng ở châu Á. Với nền tảng vững chắc về ESG và tài chính bền vững, chúng ta phải tận dụng ảnh hưởng của thị trường tài chính để đóng góp trí tuệ và sức mạnh của Đài Loan vào việc thực hiện chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu.
Bộ Môi trường đã phối hợp với các trường cao đẳng và đại học thành lập “Liên minh đào tạo nhân tài trong lĩnh vực chuyển đổi xanh”, thành lập các trung tâm đào tạo ở khu vực bắc, trung, nam và khu vực phía đông để mở rộng năng lực đào tạo nhân tài. Ngoài ra còn lập kế hoạch và triển khai các khóa học trực tuyến về khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho học sinh trung học và giáo viên.
Chúng ta phải tích cực đối thoại với thế hệ trẻ, để họ từng bước tham gia các công việc mới nổi trong lĩnh vực xanh, đặt nền tảng cho tương lai bền vững của Đài Loan.
Chúng ta hãy cùng hợp tác với ngành tài chính, các ngành nghề và các tầng lớp xã hội, cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi có trật tự, thực hiện tầm nhìn phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, để lại một quê hương thịnh vượng và bền vững cho các thế hệ tương lai.