Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên toàn cầu ngày càng rõ rệt, trong bối cảnh nguồn tài nguyên có hạn, việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi sang Net Zero (phát thải ròng bằng 0) đã trở thành nhu cầu cấp thiết trên toàn cầu. Để hưởng ứng xu hướng quốc tế, Đài Loan đã thông qua “Đạo luật ứng phó với biến đổi khí hậu” vào năm 2023, đưa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào trong luật này. Trong gần 2 năm qua, “Chương trình trợ cấp tư vấn nghề nghiệp cho các trường cao đẳng và đại học” của Cơ quan Phát triển Thanh niên thuộc Bộ Giáo dục đã trợ cấp cho 18 chương trình tư vấn nghề nghiệp liên quan đến bền vững môi trường, giúp sinh viên tiếp cận với các vấn đề liên quan đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) và mở rộng khả năng phát triển nghề nghiệp đa dạng.
Trong số đó, Đại học Thế Tân (Shih Hsin University) nhận thấy các doanh nghiệp lớn của Đài Loan đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) vào chiến lược kinh doanh và tin rằng việc sử dụng ESG để thể hiện hình ảnh doanh nghiệp sẽ trở thành điểm nhấn tiếp thị trong tương lai. Trường đã đề xuất “Chương trình đào tạo quản lý truyền thông xã hội ESG phát triển bền vững cho doanh nghiệp” và được Cơ quan Phát triển Thanh niên trợ cấp. Ngoài việc giúp sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững doanh nghiệp, nâng cao khả năng ứng dụng ESG vào thực tế và nắm bắt trước xu hướng môi trường việc làm, chương trình còn mang đến cho sinh viên cơ hội thực hành những điều đã học và bồi dưỡng các chuyên viên tư vấn ESG.
Đại học Thực Tiễn (Shih Chien University) kết hợp tính bền vững và thời trang, thông qua “Chương trình đào tạo thời trang bền vững, tài năng bền vững”, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, khuyến khích sinh viên kết hợp kiến thức chuyên môn với khái niệm bảo vệ môi trường, bồi dưỡng các tài năng tương lai có tư duy thiết kế bền vững cho xã hội. Khóa học bao gồm nhiều chủ đề như tái chế quần áo cũ, nhuộm bùn thân thiện với môi trường, kỹ thuật thêu vá, v.v... Với sự hướng dẫn của các giảng viên chuyên nghiệp trong ngành, các sinh viên có thể thực hành “Thiết kế không rác thải” và khám phá những khả năng mới cho ngành thời trang. Thông qua “Hội thảo về kinh tế tuần hoàn”, sinh viên có thể tìm hiểu khái niệm chuyển từ “sở hữu” sang “sử dụng”, hiểu được việc làm thế nào để thời trang thân thiện có thể thay đổi chuỗi sản xuất và mô hình tiêu dùng.
Nghiên cứu sinh khoa Thiết kế thời trang của Đại học Thực Tiễn cho biết: Hội thảo đã hướng dẫn sinh viên khám phá việc làm thế nào để tạo ra giá trị tái chế cho quần áo, tái sử dụng và định hình lại vật liệu, từ đó vượt ra ngoài khuôn khổ của kỹ thuật thêu và học hỏi khái niệm thẩm mỹ bền vững.
Cơ quan Phát triển Thanh niên thuộc Bộ Giao dục tổ chức “Chương trình trợ cấp tư vấn nghề nghiệp cho các trường cao đẳng và đại học”, hỗ trợ sinh viên hiểu sâu hơn về xu hướng các ngành và phát triển kiến thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình học tập, đặt nền tảng cho sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai của các em. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập “Nền tảng thông tin tư vấn nghề nghiệp cho thanh niên”.