08/05/2025

Taiwan Today

Xã hội

Bộ Nông nghiệp nâng cấp toàn diện ngành lương thực, chăm lo thu nhập của nông dân

24/12/2024
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Trần Tuấn Quý phát biểu tại buổi họp báo “Chương trình nâng cấp toàn diện ngành lương thực” vào ngày 23/12. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp)
 Ngày 23/12, Bộ Nông nghiệp đã tổ chức họp báo về “Chương trình nâng cấp toàn diện ngành lương thực”. Bộ Nông nghiệp cho biết: Chính sách thu mua lương thực dự trữ quốc gia có liên quan đến sự phát triển của ngành lương thực, do đó cần xem xét tổng thể thông qua việc đánh giá chuyên môn, không được “hét giá vô tội vạ”. Bộ Nông nghiệp nhấn mạnh cho dù là việc thu mua lương thực dự trữ quốc gia, sản xuất và tiêu thụ lương thực theo hợp đồng hay trồng các loại ngũ cốc cũng đều thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp. Phương án được nêu ra lần này không những quan tâm đến 120.000 nông dân sản xuất lương thực dự trữ quốc gia, mà còn tính đến lợi ích của toàn bộ 360.000 người tham gia sản xuất lương thực.

 Bộ Nông nghiệp cho biết: Đồng thời với việc phát triển cân bằng ngành lương thực và đáp ứng kịp thời chi phí sản xuất, còn phải tăng cường khả năng phục hồi thu nhập của người nông dân, Bộ Nông nghiệp đã thúc đẩy “Chương trình nâng cấp toàn diện ngành lương thực” với nội dung bao gồm điều chỉnh phương án thu mua lương thực dự trữ quốc gia. Sau khi điều chỉnh, giá thu mua sẽ tăng thêm 20.000 Đài tệ/ha (tổng cộng 2 vụ lúa), đồng thời lên kế hoạch áp dụng bảo hiểm thu nhập lúa gạo cho lương thực dự trữ quốc gia, điều chỉnh hệ thống khen thưởng cho việc chuyển đổi cây trồng và duy trì môi trường sản xuất, nâng cấp toàn diện ngành sản xuất lương thực.

 Bộ Nông nghiệp cho biết chi phí sản xuất lúa gạo có xu thế tăng cao trong 3 năm qua. Do đó, tính đến cả chi phí sản xuất và sự phát triển cân bằng ngành lương thực, trong khi vẫn giữ nguyên tổng số lượng thu mua lương thực dự trữ quốc gia, giá thu mua sẽ tăng thêm 1,5 Đài tệ/kg, tương đương mức tăng 20.000 Đài tệ/ha. Mức điều chỉnh này sẽ được áp dụng từ vụ đầu tiên của năm 2025.

 Bộ Nông nghiệp cho biết việc hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, duy trì sự cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo là phương hướng dài hạn trong chính sách lương thực của Đài Loan. Ngoài ra, theo dữ liệu thống kê, so với việc tăng chi phí sản xuất, tổn thất do thiên tai còn gây ảnh hưởng lớn hơn đến thu nhập của nông dân. Do đó, kế hoạch điều chỉnh lần này đã hủy bỏ quy định không được mua bảo hiểm đối với thu nhập từ việc bán lương thực cho nhà nước nhằm đảm bảo cho thu nhập của nông dân trồng lúa.

 Ngoài ra, để duy trì việc chuyển đổi canh tác lúa sang sản xuất ngũ cốc, tránh tập trung quá mức vào ngành sản xuất lương thực, chương trình còn tăng mức thưởng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và duy trì môi trường sản xuất lên 10.000 Đài tệ/ha. Phương án này sẽ giúp tăng giá lúa gạo tại nơi sản xuất và đảm bảo thu nhập thực chất của người nông dân, đồng thời giúp ngành lương thực trở nên đa dạng hơn, nâng cao khả năng phục hồi an ninh lương thực của Đài Loan.

 Bộ Nông nghiệp giải thích Chính sách thu mua lương thực dự trữ quốc gia không phải là “hét giá vô tội vạ” mà tính đến sự cân bằng giữa cung và cầu, cũng như sự phát triển cân bằng của ngành lương thực, đồng thời cân nhắc gánh nặng tài chính của chính phủ và lợi ích tổng thể (lợi ích của người nông dân và gánh nặng của người tiêu dùng). Như vậy mới có thể đảm bảo thu nhập thực chất của người nông dân, tạo điều kiện cho việc nâng cấp và sự tiến bộ của ngành lương thực.

 Trong tương lai, Bộ Nông nghiệp sẽ thiết lập cơ chế rà soát chính sách trong ngành lúa gạo và dự trữ lương thực quốc gia để hướng ngành sản xuất lúa gạo trở lại cơ chế thị trường, thúc đẩy sự phát triển cân bằng, tiến bộ và nâng cấp tổng thể ngành sản xuất lương thực.
 

Đọc nhiều nhất

Tin bài mới