Tại “Hội thảo Đất ngập nước Quốc tế 2018” khai mạc vào ngày 21/11/2018, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tuyên bố sẽ thành lập chi nhánh tại Đài Loan.
“Đại hội Đất ngập nước Quốc tế 2018” do Ủy ban Nông nghiệp, Bộ Nội chính, Bộ Kinh tế và Sở Bảo vệ Môi trường cùng phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 19/11 đến ngày 25/11/2018 tại Đài Bắc. Đài Loan đã mời 11 tổ chức bảo tồn đất ngập nước quốc tế, 18 vị lãnh đạo và chuyên gia học giả về đất ngập nước, đại diện các cơ quan trong nước và các tổ chức phi chính phủ (NGO) đến tham dự hội nghị.
Năm 2006, sau khi đánh giá và quy định 75 vùng đất ngập nước, Bộ Nội chính nhận thấy vấn đề này liên quan đến quyền lợi của người dân và quyền sở hữu tài sản đất đai, cần có sự hỗ trợ của luật pháp. Đến tháng 7/2013, Chính phủ đã hoàn thành Luật Bảo tồn đất ngập nước và bắt đầu thực thi từ ngày Đất ngập nước Thế giới (WWD) 2/2/2015 để người dân hiểu rõ những quy định pháp luật, thông báo phạm vi đất ngập nước, tham gia việc lên kế hoạch và giải thích việc sử dụng đất ngập nước, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn đất ngập nước.
Năm 2017, Bộ Nội chính đã tiến hành bồi dưỡng 6 học viên nòng cốt, đến năm 2019 sẽ hoàn thành công tác đào tạo, đồng thời sẽ có thêm 16 cán bộ bao gồm giáo viên và học sinh các trường cao đẳng, đại học, thành viên thuộc các tổ chức phi chính phủ và các bộ ngành. Trong tương lai từ 2 đến 3 năm tới, các thành viên sẽ cùng nghiên cứu, thảo luận phương án đất ngập nước và phương pháp bảo tồn phù hợp với Đài Loan.
Giám đốc tài chính Hiệp hội các nhà khoa học đất ngập nước (SWS) Lori Sutter nói: SWS là tổ chức của hơn 3.000 chuyên gia về đất ngập nước, thực hiện công tác giáo dục và bảo tồn. Hiệp hội có các chương trình giảng dạy trực tuyến, sau khi phiên dịch sẽ chia sẻ với các nước, học viên học xong các khóa học là có thể đạt đến trình độ nhất định, hy vọng chương trình này cũng phù hợp với Đài Loan, đồng thời liên kết với châu Á. Cuối cùng, Hiệp hội hy vọng công tác bảo tồn cũng sẽ thành công như việc phát triển kinh tế.
Tổng giám đốc điều hành chi nhánh Hồng Kông của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Peter Cornthwaite chỉ rõ: Công tác bảo tồn đất ngập nước phải đối mặt với rất nhiều áp lực nhưng Hiệp hội chim hoang dã của Hồng Kông và Đài Loan đã giao lưu, trao đổi với nhau từ rất lâu, là một mô hình rất tốt. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên hy vọng trong 5 năm tới sẽ thành lập chi nhánh tại Đài Loan trước và một chi nhánh khác tại Sri Lanka, đồng thời liên kết các loài chim di trú có tuyến di cư ở Đài Loan, Hồng Kông, Australia, châu Đại Dương. Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (thuộc Ủy ban Nông nghiệp) Lâm Hoa Khánh cũng cho biết: Đài Loan sẽ hợp tác với Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên cùng xuất bản Sách hướng dẫn các loài chim nước châu Á.
(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)