Đại úy Gerald Fitzpatrick-cựu binh người Anh được quân đội Trung Hoa Dân Quốc giải cứu - đã tạ thế. Khi còn sống, ông hy vọng sau này sẽ được phủ lá quốc kỳ Trung Hoa Dân Quốc lên linh cữu, hiện nay lá quốc kỳ đã được trao lại cho phu nhân. Trong lễ tang cử hành ngày 20/9/2018, Bộ Quốc phòng sẽ cử 4 quân nhân làm nhiệm vụ phủ lá quốc kỳ trên linh cữu ông.
Tình hình sức khỏe của ông Gerald Fitzpatrick vốn dĩ vẫn ổn định, tháng 6 năm nay, ông phải nằm viện sau bị ngã ở nhà, sau đó ông được đưa đến viện dưỡng lão chăm sóc phục hồi, đến giữa tháng 8, do bị viêm phổi ông phải nhập viện, đến ngày 27/8 thì tạ thế, hưởng thọ 99 tuổi.
Căn cứ theo tự truyện của Gerald Fitzpatrick, ông sinh ngày 10/8/1919 tại thành phố Leeds của Vương quốc Anh. Cha ông là lính bộ binh, từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau khi theo học một thợ máy ép thủy lực trong 5 năm, Gerald Fitzpatrick tự nguyện gia nhập “Đội công binh hoàng gia”, năm ấy ông mới có 12 tuổi 2 tháng.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (năm 1942), thuộc địa của Anh là Miến Điện (Myanmar) bị quân Nhật bao vây, trung đoàn 113 thuộc sư đoàn 38 của quân viễn chinh Tôn Lập Nhân lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, đã đánh bại hàng nghìn binh sĩ Nhật, tạo nên “Chiến thắng Yenangyaung”, giải cứu sĩ quan và binh lính Anh. Gerald Fitzpatrick cũng là một trong những binh lính quân đội Anh được giải cứu lúc đó.
Để cảm tạ ơn cứu mạng của quân viễn chinh năm ấy, Gerald Fitzpatrick đã ghi lại diễn biến chiến tranh Vân Nam-Miến Điện trong lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai, viết nên tác phẩm “Quân viễn chinh Trung Quốc giải cứu quân đội Anh tại Miến Điện: Chiến dịch Yenangyaung” (Chinese save Brtits-In Burma: Battle of Yenangyaung) với bìa sách là kỷ niệm chương kỷ niệm 100 năm thành lập quốc gia có thêu Quốc huy Trung Hoa Dân Quốc và biểu tượng Bộ Quốc phòng do Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc trao tặng. Không chỉ nỗ lực hoàn thành tác phẩm trả lại sự thật lịch sử Chiến tranh Vân Nam-Miến Điện, ông còn gửi thư lên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh quốc, thúc giục nước Anh công nhận hành động anh dũng của quân đội Trung Hoa Dân Quốc trong “Chiến dịch Yenangyaung” năm 1942.
Năm 2013, khi Gerald Fitzpatrick 94 tuổi, ông đã nhận lời mời đến thăm Đài Loan, hồi tưởng lại cảnh tượng được giải cứu năm xưa. Ông cho biết: Ngày 5/3/1942, ông gia nhập quân đội Anh tại Miến Điện, lúc ấy sư đoàn số 1 của quân đội Anh đã chiến đấu được 3 tuần, hầu như toàn bộ lính sư đoàn đều đã bị giết. Khoảng 11 ngày trước trận Yenangyaung, đơn vị gồm 500 con người chỉ còn lại có 120 người.
Gerald Fitzpatrick nói: Yenangyaung là mỏ dầu nằm ở miền trung Miến Điện. Phải đối mặt với sĩ quan chỉ huy không hiểu rõ lắm về tình hình lúc đó, ông quyết tâm không để mình phải chết tại mỏ dầu. Vì thế, ông cùng đồng đội quyết định dùng lực lượng còn sót lại, đột phá rào chắn được thiết lập bởi quân đội Nhật để tiến về phía bắc. Cuối cùng, họ đã đạt được mục đích mà không gặp bất cứ tổn thất nào về người nhưng lại cảm giác như đến hoang đảo không có người ở, không biết đi đâu về đâu, không biết lúc nào sẽ bị quân Nhật bắt làm tù binh.
Đúng lúc này, cả đội quân nhận được tin quân đội Trung Quốc đến hỗ trợ, “tôi hầu như không dám tin vào điều đó”. Gerald Fitzpatrick nhìn thấy tận mắt, khoảng 500, 600 quân viễn chinh Trung Quốc vượt qua khu vực đất cát, xuyên qua đồng bằng, đi xuống phía nam để giao chiến với quân Nhật. “Tôi thực sự nhìn thấy rõ binh sĩ Trung Quốc xuất hiện, bao gồm cả cách xếp hàng, vị trí chiến thuật. Bạn nhất định phải tận mắt nhìn thấy mới có thể miêu tả lịch sử. Cảnh tượng lịch sử này chắc chắn đã thực sự diễn ra”.
Bộ Quốc phòng vô cùng kính trọng Gerald Fitzpatrick và vẫn định kỳ cử người đến hỏi thăm ông. Gerald Fitzpatrick cũng là vị khách quý luôn có mặt tại buổi tiệc chúc mừng Lễ Quốc khánh do Văn phòng đại diện Trung Hoa Dân Quốc tại Anh tổ chức hàng năm. Tại buổi tiệc chúc mừng Quốc khánh năm ngoái, ông Gerald Fitzpatrick và phu nhân đều đến dự, cùng cắt bánh kem chúc mừng buổi lễ.
(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)