20/05/2025

Taiwan Today

Văn hóa

Khai mạc “Lễ hội nghệ thuật nhân quyền Đảo Lục 2025”

14/05/2025
Lễ hội nghệ thuật nhân quyền Đảo Lục 2025 ” hồi tưởng về tháng 5 năm 1951, khi các tù nhân chính trị bị áp giải từ cảng Cơ Long đến Đào Lục. (Ảnh: Bộ Văn hóa)

 Buổi họp báo khai mạc “Lễ hội nghệ thuật nhân quyền Đảo Lục 2025” (Green Island Biennial) do Bảo tàng Nhân quyền Quốc gia thuộc Bộ Văn hóa tổ chức đã diễn ra vào ngày 13/5 tại Công viên tưởng niệm Khủng bố Trắng Cảnh Mỹ. Không chỉ công bố tác phẩm của 23 nhóm nghệ sĩ trong và ngoài nước cùng các hoạt động liên quan trong năm nay, Lễ hội còn tổ chức diễn đàn quốc tế đầu tiên sau cuộc họp báo, mời Giám tuyển Triển lãm nghệ thuật Jeju Biennial Jeauk Lucas Kang và các nghệ sĩ từ nhiều quốc gia tham dự Lễ hội nghệ thuật nhân quyền Đảo Lục tiến hành đối thoại về lịch sử và ký ức.

 “Lễ hội nghệ thuật nhân quyền Đảo Lục 2025” với chủ đề “149 Hải lý thời gian: Đấu tranh với sự lãng quên”, phản ánh hành trình lịch sử của các nạn nhân chính trị bị áp giải từ cảng Cơ Long đến Đảo Lục kể từ năm 1951, các nghệ sĩ gợi lên chiều sâu ký ức về hòn đảo thông qua nghệ thuật. Triển lãm lần này tập trung vào nội dung “Vượt biển ra đảo”, thu hút 23 nhóm nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia, trong đó có 7 nhóm nghệ sĩ quốc tế đến từ Haiti, Croatia, Malaysia, Hồng Kông, Indonesia, Việt Nam..., trưng bày thông qua nhiều hình thức khác nhau như video, tác phẩm sắp đặt, hội họa, âm thanh và tài liệu lưu trữ để khám phá ký ức lịch sử và sự phản kháng thông qua nghệ thuật, đồng thời suy nghĩ về cách thể hiện các vấn đề nhân quyền đương đại.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Lý Viễn, Giám đốc Bảo tàng Nhân quyền Quốc gia Hồng Thế Phương, Giám tuyển Takamori Nobuo, Giám tuyển Jeauk Lucas Kang, các nghệ sĩ Hoàng Húc Hồng, Khưu Tử Yến, Lưu Vân Di, Lâm Thư Khải, Âu Tú Di, Vương Hồng Khải, Posak Jodian, Angga Cipta, Pangrok Sulap, Bùi Công Khanh, các nạn nhân của Khủng bố Trắng và gia đình họ đã tham dự lễ khai mạc.

 Giám tuyển Takamori Nobuo cho biết chủ đề của lễ hội lần này là “149 Hải lý thời gian: Đấu tranh với sự lãng quên”, hồi tưởng về tháng 5 năm 1951, khi nhóm tù nhân chính trị đầu tiên khởi hành từ cảng Cơ Long và bị áp giải đến Đào Lục qua chặng đường 149 hải lý. Hòn đảo đã cô lập các nạn nhân với thế giới bên ngoài, ngăn cách việc truyền tải tư tưởng, cuộc sống chung với gia đình và tuổi trẻ của họ. Đài Loan trong thời kỳ Khủng bố Trắng giống như một hòn đảo biệt lập với thế giới, người dân bị giam cầm trong xã hội thiết quân luật, giống như những nạn nhân chính trị bị giam cầm trên Đảo Lục. Sự cô lập về mặt địa lý và thời gian có thể khiến lịch sử bị lãng quên, nhưng nghệ thuật có thể trở thành chuôi kiếm chống lại thời gian, chống lại sự lãng quên bằng cách kể chuyện, giúp cho ký ức được truyền lại.

 Bộ trưởng Lý Viễn cho biết với tư cách là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, ngoài việc quan tâm đến sự phát triển của các ngành nghệ thuật, điện ảnh, xuất bản, điều ông chú trọng nhất là vấn đề nhân quyền và tự do. Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, ông đã nỗ lực hết sức để thúc đẩy các giá trị về nhân quyền và tự do, mong muốn liên minh với các quốc gia trên thế giới có cùng giá trị. Ông luôn mong muốn mở rộng mọi hoạt động của Bảo tàng Nhân quyền, bao gồm Lễ hội nghệ thuật nhân quyền Đảo Lục. Ông cũng hy vọng Liên hoan phim Nhân quyền Quốc tế sẽ trở thành một liên hoan phim có tính tiêu biểu chỉ sau Liên hoan phim Đài Bắc và Giải thưởng Kim Mã.

 Bộ trưởng Lý Viễn kêu gọi các đảng phái chính trị và cá nhân hãy nhìn nhận Khủng bố Trắng bằng tấm lòng chân thành. Ông cũng khuyến khích mọi người đến thăm Lễ hội nghệ thuật nhân quyền Đảo Lục, cũng như các bộ phim và ấn phẩm văn học để tìm hiểu về giai đoạn lịch sử này.

 Ngoài việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại, Lễ hội nghệ thuật còn tổ chức một loạt các hoạt động quảng bá giáo dục, bao gồm chương trình có giám tuyển hướng dẫn, hội thảo sáng tạo, tọa đàm tại trường học, v.v... Trong suốt thời gian triển lãm, Lễ hội sẽ hợp tác với các hiệu sách độc lập để tổ chức triển lãm sách lưu động về chủ đề nhân quyền. Từ tháng 7 đến tháng 9, các giám tuyển và nghệ sĩ sẽ được mời ghi âm các chương trình podcast để tham gia vào các cuộc đối thoại thú vị về nhân quyền và nghệ thuật.

 Diễn đàn quốc tế sau buổi họp báo có sự tham dự của Giám tuyển Takamori Nobuo, Giám tuyển Jeauk Lucas Kang, các nghệ sĩ quốc tế như Lý Khả Dĩnh, Bùi Công Khanh, Pangrok Sulap, Nusantara Archive và nghệ sĩ Đài Loan Lý Áo Thâm. Với những trải nghiệm từ nhiều nền văn hóa và bối cảnh địa lý khác nhau, thông qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật, họ đã mở ra trí tưởng tượng và phép biện chứng đa dạng về các vấn đề nhân quyền. Đây cũng là lần thứ hai Bảo tàng Nhân quyền tiến hành đối thoại hành động đa dạng và sâu sắc thông qua Lễ hội nghệ thuật nhân quyền Đảo Lục.

 “Lễ hội nghệ thuật nhân quyền Đảo Lục 2025” sẽ trưng bày các tác phẩm tại Bảo tàng Nhân quyền từ ngày 17/5 đến ngày 21/9. Thông tin về sự kiện được đăng trên trang web chính thức và fanpage Facebook của “Lễ hội nghệ thuật nhân quyền Đảo Lục 2025”.

Đọc nhiều nhất

Tin bài mới