04/07/2025

Taiwan Today

Văn hóa

Các giáo sư trường Đại học Quốc gia Đài Loan giành trọn 4 giải thưởng Giảng viên Quốc gia lần thứ 22

10/01/2019
Ngày 9/1/2019, Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân (thứ 3, từ trái qua) đã trao tặng Giải thưởng Giảng viên Quốc gia lần thứ 22 cho 4 giáo sư trường Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU): Giáo sư Thẩm Xuyên Châu ở khoa Địa chất (người đầu tiên bên trái), Giáo sư Lưu Cẩm Thiêm ở khoa Kinh tế học (thứ 2, từ trái qua), Giáo sư Trần Minh Hiến ở khoa Kỹ thuật điện cơ (thứ 2, từ phải qua) và Giáo sư Điền Huệ Phần ở Học viện Y khoa (người đầu tiên bên phải) (Ảnh: UDN)

 Ngày 9/1/2019, Bộ Giáo dục đã tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Giảng viên Quốc gia lần thứ 22, đích thân Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân đã trao giải thưởng cho những người đoạt giải. Bốn giải thưởng năm nay đều thuộc về các giáo sư trường Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU), bao gồm: Giáo sư Thẩm Xuyên Châu ở khoa Địa chất, nghiên cứu sự biến đổi khí hậu của môi trường đương đại và cổ đại với phương pháp “Giám định niên đại bằng Uranium và Thorium”, Giáo sư Điền Huệ Phần ở Học viện Y khoa – học giả nổi tiếng về nghiên cứu ung thư bạch cầu, Giáo sư Lưu Cẩm Thiêm ở khoa Kinh tế học – người đi đầu về nghiên cứu kinh tế học thực chứng của Đài Loan, Giáo sư Trần Minh Hiến ở khoa Kỹ thuật điện cơ và là người mới được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Đại học Quốc gia Đài Loan.
 

 Giáo sư Trần Minh Hiến là người tiên phong trong lĩnh vực Khai phá dữ liệu (Data Mining) và Khoa học dữ liệu (Data Science) của Đài Loan. Ba năm trước, ông đã từng được nhận Giải thưởng Giảng viên Quốc gia, năm nay là lần thứ hai ông giành giải thưởng này, đồng thời trở thành Giảng viên Quốc gia danh dự trọn đời.
 

 Giải thưởng Giảng viên Quốc gia là giải thưởng cao nhất của Bộ Giáo dục nhằm nâng cao trình độ giảng dạy và nghiên cứu của các giảng viên đại học. Đây là giải thưởng danh giá thứ hai chỉ sau vinh dự học thuật được trao cho Viện sĩ Viện Nghiên cứu Trung ương (AS-Viện Hàn lâm Khoa học của Đài Loan). Người đoạt Giải thưởng Giảng viên Quốc gia sẽ được nhận 1 triệu Đài tệ/năm trong 3 năm liền.
 

 Giáo sư Thẩm Xuyên Châu ở khoa Địa chất trường Đại học quốc gia Đài Loan có một tuổi thơ gian khó, ông hình dung mình ở dưới “tầng đáy xã hội”. Từ nhỏ ông đã phải theo cha mẹ đi lang bạt khắp nơi, thời học cấp 1 và cấp 2 ông phải chuyển trường tới 4 lần. Học đến cấp 2, gia đình 7 người phải đi trốn nợ, ông và em trai mới học cấp 1 phải tự mình lo liệu mọi chuyện trong nửa năm trời ở căn nhà kho giữa cánh đồng quê huyện Nam Đầu, “làm bạn” với gián và chuột. Lúc ấy niềm vui duy nhất của ông là giải đề toán vì “giải được đề toán, không phải mất tiền mà vẫn thấy được thỏa mãn”. Sau khi thi lên cấp 3, ông không được học tiếp mà phải đi làm để phụ giúp gia đình. Ông đành phải lặng lẽ đến trường cấp 3 để mang bằng tốt nghiệp cấp 2 về cất. Trước khi về còn không quên “tuyên bố” với chú bảo vệ: “Sang năm cháu sẽ quay lại”. Sau đó ông vừa học vừa làm, một năm sau ông thi lại vào trường Trung học Phong Nguyên, kinh tế gia đình cũng dần dần ổn đinh, từ đó ông mới được tiếp tục đi học.

 Thời học cấp 3, do khả năng xuất sắc trong các môn toán, lý, ông được tuyển thẳng vào khoa Hóa học, Đại học Thanh Hoa, rồi học liền một mạch đến tiến sĩ, từ đó cuộc đời ông đã thay đổi.
 

 Đến bây giờ, Giáo sư Thẩm Xuyên Châu vẫn lang bạt khắp nơi nhưng không phải vì trốn nợ mà ông đi đến khắp nơi trên thế giới để tiến hành nghiên cứu. Ông đến khu vực Hố Xương (Sima de los Huesos) ở Tây Ban Nha để nghiên cứu về người Neanderthal, khảo sát kim tự tháp san hô ở Thái Bình Dương. Phòng thí nghiệm do ông hướng dẫn có vị trí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực “Giám định niên đại bằng Uranium và Thorium” và “Địa hóa học khoáng vật Cacbonat”, phục vụ việc nghiên cứu biến đổi khí hậu của môi trường đương đại và cổ đại, sự tiến hóa nhân loại, v.v...
 

 Giáo sư Thẩm Xuyên Châu xuất thân từ tầng lớp bình dân, nhưng ông vẫn cảm ơn cha mẹ đã cho ông một tuổi thơ “phi thường”, cho ông được nhìn thấy những thái độ khác nhau của người đời. Cuộc đời chìm nổi giúp ông càng biết trân trọng hơn, ông nói “Chỉ cần đạt được điều nhỏ nhoi là đã cảm thấy rất hạnh phúc”. Ông cũng tự nhận mình là người rất có nghị lực, không muốn chịu thua. “Nỗ lực chưa chắc đã thành công, sự thực là đa số các nghiên cứu đều thất bại, nhưng có nỗ lực mới có khả năng thành công”.

 

(Nguồn: Báo Liên hợp UDN)

Đọc nhiều nhất

Tin bài mới