Năm 2024, các ứng dụng AI tiếp tục được mở rộng, thương mại hàng hóa toàn cầu tăng trưởng nhưng các ngành sản xuất khác nhau phục hồi không đồng đều khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Tại Đài Loan, được hưởng lợi từ nhu cầu ứng dụng các công nghệ mới nổi, xuất khẩu “bùng nổ” và tăng trưởng đầu tư trong 6 tháng cuối năm tốt hơn dự kiến nên tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong 3 quý đầu là 5,19%, ước tính tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 sẽ được điều chỉnh lên 4,23%. Hướng tới năm 2025, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 3,1%. Nhu cầu nội địa đóng góp 2,62 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế trong khi nhu cầu nước ngoài ròng chỉ chiếm 0,48 điểm phần trăm, cho thấy nhu cầu trong nước là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Về tiêu dùng tư nhân, do nhu cầu tiêu dùng mạnh của người dân về ăn uống, nhà ở, du lịch trong và ngoài nước nên tốc độ tăng trưởng thực chất của tiêu dùng tư nhân trong 3 quý đầu là 3,08%. Trong 10 tháng đầu năm, tổng doanh số của ngành bán lẻ và dịch vụ ăn uống tăng lần lượt 2,63% và 3,06%. Dự kiến, tiêu dùng tư nhân sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2025 với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng thực chất ước tính khoảng 2,02%.
Đối với đầu tư tư nhân, do nhu cầu lớn về các công nghệ ứng dụng mới nổi trong quý II và quý III, các nhà sản xuất đánh giá cao sự phát triển trong tương lai và đang mở rộng đầu tư. Trong quý III, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thiết bị đã tăng lên 29,59%, trong đó thiết bị sản xuất chất bán dẫn tăng hơn 30%, tốc độ tăng trưởng thực tế của đầu tư tư nhân trong quý III là 8,42%, ước tính tốc độ tăng trưởng của cả năm 2024 là 4,7%. Dự kiến con số tăng trưởng của đầu tư tư nhân năm 2025 sẽ đạt 5,46%.
Trong lĩnh vực ngoại thương, nhu cầu “bùng nổ” về các ứng dụng công nghệ mới nổi như điện toán hiệu năng cao (HPC) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin, tỷ lệ tăng trưởng thực chất của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa trong quý III lần lượt đạt 8,92% và 14,71%. Trong quý IV, do nhu cầu dự trữ, nhu cầu đầu tư và tiêu thụ cuối năm tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2024 ước tính lần lượt đạt 9,17% và 11,93%. Theo đánh giá tổng thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2025 dự kiến lần lượt là 6,53% và 7,17%.
Về giá cả, tốc độ tăng giá hàng hóa đã giảm xuống dưới 2% trong 11 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, giá ăn uống bên ngoài, giá thuê nhà và dịch vụ chăm sóc sức khỏe vẫn ở mức cao khiến giá dịch vụ tăng 2,47% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ tháng 1 đến tháng 11 tăng trung bình 2,18% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ số CPI cốt lõi tăng 1,9%. Do ảnh hưởng bởi biến động giá nguyên vật liệu và hai lần tăng giá điện vào tháng 4 và tháng 10, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong 11 tháng đầu năm tăng 1,22% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính tốc độ tăng trưởng CPI và PPI của năm 2024 sẽ tăng lần lượt là 2,19% và 1,42%, tốc độ tăng trưởng CPI và PPI trong năm 2025 sẽ là 2,02% và 1,40%.
Về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 10 tháng đầu năm nay là 3,39%, thấp hơn mức trung bình 3,51% của cùng kỳ năm 2023, cho thấy tình hình việc làm ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến ở mức 3,37% của năm 2024 và 3,26% trong năm 2025. Ngoài ra, trước những biến động mạnh mẽ của thị trường tài chính, các giao dịch vốn trong và ngoài nước diễn ra thường xuyên, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của M1B và M2 trong 10 tháng đầu năm lần lượt là 4,78% và 5,9%, trong đó tốc độ của M1B cao hơn 2,82% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến tốc độ tăng trưởng của M1B và M2 trong năm 2025 sẽ là 3,68% và 3,64%.
Trong năm tới, Đài Loan cần biến những thách thức thành cơ hội, tổng hợp các yếu tố không chắc chắn và sai số dự báo, khoảng tin cậy 50%, dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Đài Loan vào năm 2025 sẽ vào khoảng từ 1,72% đến 4,07%.