Gần đây, Phó Tổng thống Tiêu Mỹ Cầm đã trả lời phỏng vấn trên chương trình podcast “Shawn Ryan Show” của Mỹ, trả lời các vấn đề về ngành công nghiệp bán dẫn, kinh tế, thương mại, ngoại giao, quốc phòng, quan hệ giữa hai bờ eo biển, an ninh khu vực, tham gia xã hội, an ninh thông tin và năng lượng.
Nội dung chính bài phỏng vấn của Phó Tổng thống như sau:
-Hỏi: Đài Loan nổi tiếng thế giới về sản xuất chất bán dẫn, thúc đẩy toàn bộ thế giới hiện đại. Tôi muốn biết quan điểm của bà về việc Đài Loan đã làm được điều này như thế nào.
Phó Tổng thống: Chúng tôi đã dành nhiều thập kỷ để xây dựng sức mạnh đặc biệt này trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là về chip, không chỉ bao gồm các nhà máy sản xuất chip, mà Đài Loan còn đang đầu tư vào Mỹ để thúc đẩy sản xuất chip tại đây. Ngoài sản xuất chip, Đài Loan còn có hệ sinh thái gồm hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ các công ty thiết kế chip, các nhà cung cấp hóa chất cho đến các nhà sản xuất máy công cụ, tất cả đều tập trung tại Đài Loan, hòn đảo có mật độ dày đặc. Hoạt động hợp tác logistics và tích hợp hệ thống của hệ sinh thái này luôn hoạt động rất hiệu quả. Do đó, Đài Loan không những có thể sản xuất chip cao cấp, hiện đại nhất mà còn tiến hành sản xuất theo cách tiết kiệm chi phí, hiệu quả và đáng tin cậy.
Tôi muốn nhấn mạnh “sự tin cậy” vì trong lĩnh vực công nghệ, “sự tin cậy” rất quan trọng. Tôi tin rằng sự kết hợp thành công của Đài Loan giữa hiệu quả về chi phí, hệ sinh thái hoàn chỉnh và sự tin cậy đã biến Đài Loan trở thành một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Chúng tôi tin rằng đây không chỉ là “hệ sinh thái của Đài Loan”, mà còn là hệ sinh thái công nghệ tiên tiến do Đài Loan và Mỹ cùng xây dựng, nỗ lực thúc đẩy sự tiến bộ của con người, bảo vệ tự do của chúng ta và liên tục thúc đẩy sự phát triển khoa học trên toàn thế giới. Hệ sinh thái này quan trọng đến mức G7 và các quốc gia khác đã nhiều lần nhấn mạnh Đài Loan đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu.
-Hỏi: Đài Loan sản xuất 60% chip của thế giới và 95% chip cao cấp. Bà có thể giải thích tầm quan trọng của những con chip này đối với các hoạt động của xã hội không?
Phó Tổng thống: Chip thúc đẩy mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta, từ đồng hồ thông minh, điện thoại di động cho đến ô tô và micro, tất cả các thiết bị điện tử xung quanh bạn. Chip thực sự thúc đẩy và kết nối thế giới hiện đại. Chip của Đài Loan, đặc biệt là chip tiên tiến hiện đang được sử dụng rộng rãi trong điện thoại thông minh, rất quan trọng trong việc kết nối toàn cầu, mạng Internet và trí tuệ nhân tạo.
-Hỏi: Và cả công nghệ quốc phòng?
Phó Tổng thống: Đương nhiên là có
-Hỏi: Lượng hàng hóa toàn cầu vận chuyển qua eo biển Đài Loan?
Phó Tổng thống: Theo ước tính, con số này chiếm khoảng từ 20% đến 50% thương mại hàng hải toàn cầu.
-Hỏi: từ 20% đến 50%?
Phó Tổng thống: Đúng vậy. Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết khoảng 50% thương mại hàng hải toàn cầu được vận chuyển qua eo biển Đài Loan. Nếu chúng ta xem xét số lượng container và hồ sơ vận chuyển thì con số đó ít nhất là 20%. Nhìn vào bản đồ thế giới, eo biển Đài Loan nằm ở trung tâm của Tây Thái Bình Dương, trong một khu vực đang phát triển và ngày càng có ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Không chỉ là địa điểm sản xuất và chế tạo quan trọng, Đài Loan còn nhập khẩu năng lượng có giá trị cao và các hàng hóa khác từ khắp nơi trên thế giới. Do đó, về mặt thương mại hàng hải, Đài Loan nằm ở trung tâm quan trọng trong hoạt động của hệ thống kinh tế toàn cầu. Nếu bạn nhìn vào những điểm quan trọng này trên bản đồ thế giới, ví dụ như kênh đào Suez, Biển Đỏ và eo biển Đài Loan, một khi quyền tự do hàng hải ở những khu vực quan trọng này bị ảnh hưởng, thì sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
-Hỏi: Làm thế nào để duy trì hoặc thậm chí làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Đài Loan với các đối tác thương mại toàn cầu quan trọng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị?
Phó Tổng thống: Chúng ta đang ở trong tình hình địa chính trị rất phức tạp. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ một môi trường kinh doanh tốt và phát triển đầu tư, cũng như nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia dân chủ có quan điểm tương đồng.
Vì vậy, chúng tôi đã có sự thay đổi trong cơ cấu đầu tư, bao gồm việc tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á và đầu tư lớn vào Mỹ. Hiện nay, Mỹ đã trở thành một trong những điểm đến đầu tư chính của chúng tôi, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. TSMC, nhà sản xuất chip quy mô lớn của Đài Loan, đã cam kết đầu tư 165 tỷ đô la vào Mỹ. Đây là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Mỹ và rất có ý nghĩa, góp phần vào khả năng phục hồi công nghệ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chúng tôi cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác đáng tin cậy.
-Hỏi: Theo tôi biết, chỉ có 11 quốc gia và Vatican công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan, trong khi Trung Quốc đã lôi kéo các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan thông qua viện trợ tài chính và các cách thức khác. Các cách thức cụ thể của họ là gì?
Phó Tổng thống: Hiện tại, chỉ có 12 quốc gia công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, điều này thật đáng tiếc. Trung Quốc thường lợi dụng nhiều thủ đoạn cưỡng ép khác nhau, kết hợp với các ưu đãi kinh tế hoặc lời hứa mà họ có thể không thực hiện để thay đổi lòng trung thành hoặc quan hệ ngoại giao của các quốc gia mà họ lôi kéo.
Do đó, chúng tôi mong muốn duy trì các đối tác của mình ở châu Mỹ và Mỹ Latinh, bao gồm Paraguay, đồng minh ngoại giao của Đài Loan của Nam Mỹ, Guatemala và Belize ở Trung Mỹ, một số quốc đảo Carribean vẫn công nhận và ủng hộ Đài Loan. Chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác với họ trong các lĩnh vực kinh tế, y tế công cộng và trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tiếp tục phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn Mỹ và các nước khác ủng hộ các đối tác đồng minh của chúng tôi.
-Hỏi: Nếu Trung Quốc xâm lược và kiểm soát các nhà máy sản xuất chip của Đài Loan thì sẽ gây bất lợi cho toàn thế giới. Vậy nếu đứng lên bảo vệ Đài Loan, các nước sẽ mất gì?
Phó Tổng thống: Ngoài các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhiều quốc gia yêu chuộng dân chủ và tự do đã ủng hộ Đài Loan tham gia một cách có ý nghĩa vào các tổ chức quốc tế. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Ví dụ: Mỹ, quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, vẫn tiếp tục giúp chúng tôi tăng cường năng lực tự vệ thông qua “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, bán vũ khí phòng thủ cho Đài Loan thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) và cung cấp các biện pháp hỗ trợ khác.
Các quốc gia khác, đặc biệt là các nước láng giềng như Nhật Bản và Philippines, cũng phải đối mặt với sự cưỡng ép của Trung Quốc. Trung Quốc cũng gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với các đối tác khác trong khu vực thông qua các hoạt động, các cuộc tập trận quân sự của nước này ở biển Nam Hải (biển Đông) và sự bành trướng quân sự trong khu vực. Hoạt động triển khai quân sự của Trung Quốc đã mở rộng đến biển Tasman ở Australia và New Zealand. Rõ ràng là ý định của họ không chỉ giới hạn ở Đài Loan.
Do đó, điều quan trọng hơn là phải hiểu sâu hơn về điều này và cùng nỗ lực tăng cường quốc phòng. Đài Loan tin vào hòa bình thông qua sức mạnh. Chúng tôi yêu hòa bình và đương nhiên không muốn xung đột. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn chiến tranh hoặc xung đột. Tuy nhiên, chỉ riêng Đài Loan là không đủ để ngăn chặn sự xâm lược, chúng tôi phải nỗ lực xây dựng thêm quan hệ đối tác để hỗ trợ các hành động ngăn chặn xung đột.
Quân đội Đài Loan đã được huấn luyện theo cách rất truyền thống trong nhiều thập kỷ nhưng giờ đây phải ứng biến nhanh với các yêu cầu mới, vì vậy chúng tôi đang tiến hành những cải cách được khởi xướng trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Thái Anh Văn và đang được tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ của Tổng thống Lại Thanh Đức, trong đó bao gồm cả việc kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc với quá trình đào tạo chất lượng cao, vững chắc. Điều này cũng sẽ giúp tăng cường ý chí và sức mạnh quốc phòng, qua đó nâng cao khả năng phục hồi của toàn xã hội.
-Hỏi: Chúng ta hãy nói về mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc. Một tuần trước, 70 tàu Trung Quốc đã đi vào eo biển Đài Loan và hôm qua, hai tàu sân bay đã đi vào Thái Bình Dương. Người dân Đài Loan cảm thấy thế nào khi những điều này xảy ra?
Phó Tổng thống: Chúng tôi phải tăng cường đầu tư quốc phòng và nỗ lực hơn nữa để nâng cao khả năng phục hồi của xã hội. Các hành động quân sự của Trung Quốc không chỉ là sự xuất hiện của hạm đội hải quân, mà còn bao gồm cả việc xâm phạm không phận và xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Những hành động như vậy là một phần của “xâm phạm vùng xám”. Họ sử dụng nhiều loại phương tiện hỗn hợp khác nhau để đe dọa và ép buộc Đài Loan khuất phục. Ngoài các thủ đoạn quân sự, họ còn tiến hành chiến tranh nhận thức như tung tin sai lệch, can thiệp chính trị vào xã hội chúng tôi, sử dụng các biện pháp kinh tế, thương mại để gây sức ép với các công ty Đài Loan hoặc doanh nghiệp nước ngoài nhằm ngăn cản họ thiết lập quan hệ với Đài Loan.
Do đó, chúng tôi đang đồng thời nỗ lực trên mọi phương diện để tăng cường hơn nữa sức mạnh và khả năng phục hồi để ứng phó với những thách thức này. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng tàu chiến Trung Quốc không chỉ hiện diện quanh Đài Loan mà còn hoạt động ở biển Nam Hải và xung quanh Nhật Bản, thậm chí xâm phạm không phận Nhật Bản và thực hiện hành vi quấy rối trên biển. Đây là thách thức mà toàn thế giới phải đối mặt. Làm thế nào để đảm bảo tự do hàng hải là điều vô cùng quan trọng để duy trì sự thịnh vượng của thương mại toàn cầu và sự thông suốt của chuỗi cung ứng.
-Hỏi: Tôi muốn nói về các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở vùng biển xung quanh. Trung Quốc dường như có ý đồ từng bước mở rộng biên giới của mình.
Phó Tổng thống: Đúng vậy. Hơn một thập kỷ trước, Trung Quốc tuyên bố rằng các đảo nhân tạo chỉ nhằm cung cấp nhu yếu phẩm cho tàu đánh cá và hoàn toàn vì lý do nhân đạo. Nhưng bây giờ chúng ta thấy rằng Trung Quốc không chỉ xây dựng mà còn quân sự hóa các hòn đảo này. Vấn đề này đã gây ra sự lo lắng lớn ở khu vực xung quanh Đài Loan, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Điều này cho thấy ý đồ bành trướng của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Đài Loan. Họ có dã tâm thay đổi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Những luật lệ này bao gồm quyền tự do hàng hải, nền tảng của thương mại toàn cầu, đặc biệt là thương mại hàng hải. Đây là diễn biến đáng lo ngại. Vì vậy, chúng ta phải liên tục duy trì sự cân bằng để bảo vệ quyền tự do của mình.
-Hỏi: Chúng ta hãy nói về chiến tranh nhận thức và thông tin sai lệch.
Phó Tổng thống: Việc phát tán tin tức giả mạo không phải là vấn đề của riêng Đài Loan mà là vấn đề toàn cầu. Trung Quốc luôn sử dụng nhiều câu chuyện khác nhau để tăng cường tuyên truyền và âm mưu đưa quan điểm của họ vào xã hội Đài Loan. Mục đích chính của làn sóng tin tức giả mạo gần đây là gây chia rẽ xã hội và khiến mọi người nghi ngờ sức mạnh dân chủ của xã hội.
Để ứng phó, chúng tôi đã phát triển nhiều tổ chức dân sự. Đài Loan có một xã hội dân sự lành mạnh và những công dân quan tâm đến vấn đề này, sẵn sàng chịu trách nhiệm và chống lại tin giả thông qua hiểu biết về phương tiện truyền thông. Chính phủ cũng thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền để nâng cao hiểu biết về phương tiện truyền thông, yêu cầu phải làm rõ tin giả liên quan đến các chính sách hoặc dịch vụ của chính phủ một cách nhanh chóng.
-Hỏi: Tập Cận Bình đã từng nói rằng sẽ xâm lược Đài Loan trước năm 2027. Bà có nghĩ ông ta nghiêm túc về điều này không?
Phó Tổng thống: Bảng thời gian này liên quan đến ý đồ và năng lực của Trung Quốc. Đối với Đài Loan, mọi thứ chúng tôi làm cuối cùng đều là để ngăn chặn xung đột, dù là năm 2027, trước hay sau đó, chúng tôi cần giải quyết cả vấn đề “ý đồ” và “năng lực”. Về mặt năng lực, chúng tôi phải tăng cường năng lực phòng thủ bất đối xứng để ngăn chặn Trung Quốc và khiến họ hiểu rằng họ sẽ phải trả giá rất đắt khi xâm lược Đài Loan. Về mặt ý đồ, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, đồng thời sử dụng các thủ đoạn ngoại giao, quân sự và kinh tế để thực hiện chủ trương này trên toàn thế giới. Điều chúng tôi cần làm là tác động đến các đánh giá ra quyết định của họ và truyền đạt quan điểm “duy trì hiện trạng phù hợp lợi ích tốt nhất của tất cả các bên liên quan hiện nay, bao gồm cả Trung Quốc”.
Chúng tôi không khiêu khích hay phá hoại hiện trạng nhưng chúng tôi sẽ không khuất phục trước sự ép buộc. Đồng thời, chúng tôi nêu cao ý chí của người dân trong việc bảo vệ lối sống và quyền tự do mà chúng tôi trân trọng. Ở Đài Loan, tự do không phải từ trên trời rơi xuống. Những người đi trước đã hy sinh và chiến đấu vì tự do, thông qua các biện pháp dân chủ như bầu cử, chúng tôi đã xác lập quyền của người dân Đài Loan trong việc tự quyết định tương lai của mình. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc. Chúng tôi cũng hy vọng rằng các nước trên khắp thế giới sẽ sát cánh cùng Đài Loan để đảm bảo rằng hòa bình được duy trì và xung đột không bao giờ xảy ra.
-Hỏi: Đài Loan là ngọn hải đăng của nền dân chủ trong khu vực. Thế giới sẽ ra sao nếu Đài Loan thực sự bị xâm lược?
Phó Tổng thống: Tôi hy vọng kịch bản giả định đó sẽ không bao giờ xảy ra. Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghệ hiện đại, liên quan chặt chẽ đến cuộc sống con người trên khắp thế giới. Đài Loan cũng đi đầu trong việc bảo vệ tự do và các giá trị, kiên định gìn giữ hệ thống chính phủ trao quyền cho người dân. Mọi thứ chúng tôi làm là để ngăn chặn kịch bản này xảy ra.
-Hỏi: Điều gì khiến bà tin tưởng vào Mỹ đến vậy?
Phó Tổng thống: Trước tiên, chúng tôi phải tin tưởng vào chính mình, đó là lý do tại sao chúng tôi tập trung vào việc tăng cường năng lực tự phòng vệ, đồng thời thúc đẩy nội địa hóa và tự chủ quốc phòng để chúng tôi có khả năng tự bảo vệ mình. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực phát triển quan hệ đối tác. Quan hệ đối tác của chúng tôi với Mỹ dựa trên “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, vốn luôn vững chắc trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi cũng tiếp tục nỗ lực để giành được sự ủng hộ của các đảng phái Mỹ đối với quan hệ đối tác này.
Việc duy trì quan hệ đối tác vững chắc với Đài Loan là một trong số ít vấn đề mà Mỹ có thể đạt được sự đồng thuận. Thông qua sự hợp tác như vậy, chúng tôi tiếp tục xây dựng năng lực tự phòng vệ và tăng cường hơn nữa các nỗ lực trong nước. Cuối cùng, mặc dù phải đối mặt với tham vọng bành trướng của Trung Quốc nhưng Đài Loan không phải là quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng.
-Hỏi: Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn này, tôi chỉ muốn nói rằng xét về tình hình chung, tôi nghĩ Đài Loan hiện đang ở tình thế rất đặc biệt. Nếu Trung Quốc thực sự phát động một cuộc xâm lược, toàn thế giới sẽ đứng lên giúp đỡ Đài Loan. Rất vinh dự khi được phỏng vấn bà và xin chân thành chúc bà mọi điều tốt đẹp nhất.
Phó Tổng thống: Xin cảm ơn, việc sát cánh cùng Đài Loan là điều rất quan trọng để ngăn ngừa thảm họa xảy ra. Cảm ơn vì đã sát cánh cùng chúng tôi.