25/05/2025

Taiwan Today

Chính trị

Tổng thống Lại Thanh Đức phát biểu về chiến lược ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ

07/04/2025
Tổng thống Lại Thanh Đức phát biểu qua video vào ngày 6/4, nêu rõ chiến lược ứng phó của Chính phủ trước việc Mỹ áp thuế đối ứng 32% với Đài Loan. (Ảnh: Phủ Tổng thống)
 Trước những tác động do Chính phủ Mỹ gần đây tuyên bố áp thuế đối ứng 32% với Đài Loan, Tổng thống Lại Thanh Đức đã có bài phát biểu qua video vào ngày 6/4 gửi đến người dân cả nước, nêu rõ Chính phủ sẽ áp dụng 5 chiến lược ứng phó, bao gồm thông qua đàm phán để nỗ lực cải thiện thuế đối ứng, hỗ trợ cho các ngành nghề trong nước bị ảnh hưởng, đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn và dài hạn, định hình bố cục mới “Đài Loan+Mỹ”, giải quyết vấn đề và đưa ra chính sách phù hợp với các ngành nghề. Tổng thống nhấn mạnh: Đối mặt với những thách thức hiện nay, Chính phủ sẽ hợp tác với khối tư nhân để mở ra con đường rộng lớn hơn cho nền kinh tế Đài Loan.

Nội dung chính bài phát biểu của Tổng thống như sau:

 Thưa đồng bào cả nước:
 Chính phủ Mỹ gần đây tuyên bố áp thuế đối ứng với các nước trên thế giới. Đài Loan cũng nằm trong số đó với mức thuế 32%. Điều này chắc chắn sẽ có tác động lớn đến Đài Loan. Hiện tại, nhiều nước đã lần lượt đáp trả, thậm chí một số quốc gia còn thực hiện các biện pháp trả đũa. Dự kiến nền kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ có những thay đổi lớn. Đài Loan là quốc gia thúc đẩy thương mại quốc tế, đối mặt với những thách thức trong tương lai, Đài Loan chắc chắn sẽ gặp khó khăn và phải thực hiện từng bước một mới có thể xoay chuyển nguy cơ thành an toàn.

 Phân tích chi tiết về thương mại của Đài Loan với Mỹ, chúng ta sẽ thấy rằng năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ là 111,4 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hơn 75% các sản phẩm khác đã được xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ. Trong số các sản phẩm xuất sang Mỹ, sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông có tính cạnh tranh và linh kiện điện tử chiếm 65,4%. Điều này cho thấy nền kinh tế Đài Loan thực sự rất kiên cường. Chỉ cần có chiến lược ứng phó phù hợp, khu vực công và khu vực tư nhân cùng hợp tác thì sẽ giảm thiểu được tác động.

 Đối mặt với thuế đối ứng của Mỹ, Đài Loan không có kế hoạch áp thuế trả đũa, các cam kết đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan đối với Mỹ cũng sẽ không thay đổi, miễn là phù hợp với lợi ích quốc gia.

 Tuy nhiên chúng ta cần để cho Mỹ biết rõ những đóng góp của Đài Loan vào sự phát triển kinh tế của Mỹ. Quan trọng hơn là chúng ta phải tích cực nắm bắt những thay đổi của tình hình kinh tế toàn cầu, tăng cường hợp tác ngành nghề Đài Loan-Mỹ, nâng cao vai trò của các ngành công nghiệp Đài Loan trong chuỗi cung ứng toàn cầu và áp dụng 5 chiến lược sau đây để đáp ứng mục tiêu duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế Đài Loan.

 Chiến lược thứ nhất: Thông qua đàm phán, nỗ lực cải thiện thuế đối ứng.
- Đài Loan đã thành lập nhóm đàn phán do Thứ trưởng Trịnh Lệ Quân dẫn đầu, các thành viên bao gồm Hội đồng An ninh Quốc gia, Văn phòng Đàm phán Kinh tế-Thương mại, các bộ ngành và giới học thuật. Đàm phán thuế quan có thể bắt đầu từ “thuế suất 0%” giữa Đài Loan và Mỹ như Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Canada-Mexico.

- Mở rộng mua hàng từ Mỹ để giảm thâm hụt thương mại. Viện Hành chính đã hoàn thành việc rà soát kế hoạch mua sắm quy mô lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, v.v... Bộ Quốc phòng cũng đã đề xuất danh mục mua sắm thiết bị quân sự, mọi hoạt động mua sắm sẽ được tích cực thực hiện.

- Mở rộng đầu tư vào Mỹ. Hiện nay, đầu tư tích lũy của Đài Loan vào Mỹ đã vượt 100 tỷ USD và tạo ra khoảng 400.000 cơ hội việc làm. Trong tương lai, không chỉ có TSMC tăng cường đầu tư, các ngành công nghiệp khác như điện tử, công nghệ thông tin, hóa dầu và khí đốt tự nhiên, v.v... đều có thể đẩy mạnh đầu tư vào Mỹ, tăng cường hợp tác công nghiệp Đài Loan-Mỹ, tạo ra một kỷ nguyên vàng của kinh tế trong tương lai.

- Loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan đã tồn tại trong nhiều năm để đàm phán suôn sẻ, thuận lợi hơn.

- Giải quyết mối quan ngại lâu dài của Mỹ về kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao và vấn đề rửa xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

 Chiến lược thứ hai là đề xuất kế hoạch hỗ trợ kịp thời cho các ngành nghề trong nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là các ngành nghề truyền thống, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thủ tướng Trác Vinh Thái đã công bố 20 biện pháp trên 9 phương diện để hỗ trợ đổi mới, nâng cấp và chuyển đổi ngành nghề.

 Chiến lược thứ ba là đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn và dài hạn. Đây cũng là con đường cơ bản để vượt qua những thách thức kinh tế trong tương lai.

 Chính phủ sẽ tích cực hợp tác với các nước đồng minh để mở rộng các thị trường đa dạng, tăng cường hội nhập, giúp hệ sinh thái ngành nghề của Đài Loan hoàn thiện hơn, thúc đẩy nâng cấp và chuyển đổi ngành nghề. Ngoài ra, chúng ta cũng phải tận dụng tốt lợi thế trong các ngành sản xuất chất bán dẫn, thiết kế vi mạch, công nghệ thông tin và sản xuất thông minh để xây dựng Đài Loan thành một hòn đảo trí tuệ nhân tạo, hướng tới một Đài Loan mới thông minh, bền vững và thịnh vượng.

 Chiến lược thứ tư: Đài Loan+1, tức là bố cục mới: Đài Loan+Mỹ
 “Thành lập và phát triển tại Đài Loan, mở rộng ra toàn cầu và tiếp thị trên toàn thế giới” là chiến lược phát triển kinh tế quốc gia của Đài Loan. Chính phủ sẽ khuyến khích đầu tư, nới lỏng quy định và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp phát triển tại Đài Loan và đầu tư nhiều hơn vào Đài Loan. Ngoài ra, chúng ta cũng phải hỗ trợ các doanh nghiệp Đài Loan thực hiện những điều chỉnh cần thiết đối với các cơ sở sản xuất ở nước ngoài để định hình Đài Loan+1, tức là tăng cường hợp tác ngành nghề giữa Đài Loan và Mỹ, đồng thời tiến sâu hơn vào thị trường Mỹ.

 Chiến lược thứ năm là mở ra hành trình lắng nghe các ngành nghề, không phân biệt ngành nghề gì, quy mô lớn hay nhỏ, một khi Mỹ áp thuế đối ứng cũng đều chịu tác động. Chính phủ sẽ lắng nghe tiếng nói của các ngành nghề, giải quyết vấn đề bất cứ lúc nào và đưa ra những chính sách phù hợp với nhu cầu.

 Trong hơn nửa thế kỷ qua, Đài Loan đã trải qua hai cuộc khủng hoảng năng lượng, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, cơn sóng thần tài chính toàn cầu và ảnh hưởng dịch bệnh. Hết lần này đến lần khác, chúng ta không những vượt qua khó khăn, mà còn biến khủng hoảng thành cơ hội, khiến nền kinh tế Đài Loan bước lên một tầm cao mới và kiên cường hơn. Trước những thách thức hiện tại, Chính phủ sẽ hợp tác với khu vực tư nhân để mở ra con đường rộng lớn hơn cho nền kinh tế Đài Loan.

 Trước đó, vào ngày 4/4, Thủ tướng Trác Vinh Thái đã dẫn đầu các ban ngành tổ chức họp báo về “Kế hoạch hỗ trợ chuỗi cung ứng xuất khẩu của Đài Loan nhằm ứng phó với thuế quan của Mỹ”. Thủ tướng cho biết: Chính phủ đã xây dựng phương án hỗ trợ gồm “20 biện pháp trên 9 lĩnh vực, tổng kinh phí 88 tỷ Đài tệ” để giúp “nền kinh tế đất nước ổn định, các ngành nghề phát triển ổn định và người dân yên tâm sinh sống”.

 Cũng trong ngày 4/4, Bộ Nông nghiệp cho biết: Mỹ là đối tác thương mại quan trọng trong lĩnh vực nông sản của Đài Loan. Trước sự điều chỉnh thuế quan của Chính phủ Mỹ, Bộ Nông nghiệp sẽ đầu tư 18 tỷ Đài tệ để hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất, vận chuyển cho đến các kênh tiêu thụ, đồng thời cải thiện chuỗi ngành xuất khẩu nông sản và thủy sản Đài Loan, giúp nông sản và thủy sản Đài Loan có chỗ đứng tại thị trường Mỹ, đồng thời tiếp tục khám phá các thị trường cao cấp mới nổi.

Đọc nhiều nhất

Tin bài mới