23/02/2025

Taiwan Today

Chính trị

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chí Trung trả lời phỏng vấn của Tạp chí Challenges (Pháp)

20/02/2025
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chí Trung (bên phải) trả lời phỏng vấn trực tuyến với Régis Soubrouillar, phóng viên Tạp chí Challenges của Pháp. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
 Ngày 22/1/2025, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chí Trung đã trả lời phỏng vấn trực tuyến với Régis Soubrouillar, phóng viên Tạp chí Challenges của Pháp. Toàn văn cuộc phỏng vấn đã được đăng tải vào ngày 14/2 với tiêu đề “Trump, Bắc Kinh và châu Âu: Đài Loan điều chỉnh chiến lược ngoại giao như thế nào” (Trump, Pékin et l’Europe : comment Taïwan ajuste sa stratégie diplomatique), thu hút sự chú ý rộng rãi của độc giả Pháp ngữ trên khắp thế giới.

 Trước tiên, Thứ trưởng Ngô Chí Trung nêu rõ: Mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với hầu hết các quốc gia nhưng Đài Loan luôn tích cực mở rộng quan hệ thực chất với các nước, xây dựng quan hệ tốt đẹp và thiết lập mô hình “hoạt động chính thức” (working official). Quan hệ đối tác thực chất không nhất thiết phải có sự công nhận về mặt ngoại giao mà dựa trên lợi ích chung về đổi mới, thương mại, hợp tác công nghệ và các giá trị dân chủ.

 Hướng tới quan hệ Đài Loan-Mỹ, Thứ trưởng Ngô Chí Trung cho biết: Mỹ là nước ủng hộ chính cho Đài Loan trên trường quốc tế, việc Mỹ bán vũ khí, trao đổi cấp cao và hợp tác kinh tế-thương mại với Đài Loan sẽ tiếp tục được phát huy. Mỹ đã đưa Đài Loan vào khuôn khổ chiến lược rộng lớn hơn để đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không bị đe dọa bởi dã tâm của Trung Quốc. Đài Loan cũng tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng Đài Loan-Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn.

 Thứ trưởng Ngô Chí Trung nhấn mạnh: Đài Loan mong muốn Mỹ sẽ duy trì vai trò lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ngăn chặn tình trạng căng thẳng tiếp tục leo thang ở eo biển Đài Loan. Tổng thống Trump hy vọng các đồng minh tăng ngân sách quốc phòng và Đài Loan đã thực hiện. Khác với Ukraine hay Israel, Đài Loan mua vũ khí của Mỹ nhưng không dựa vào viện trợ tài chính trực tiếp của nước này. Đài Loan sẽ tăng cường phòng thủ để ứng phó với mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.

 Trao đổi về khả năng xảy ra xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan, Thứ trưởng Ngô Chí Trung cho biết: Đài Loan nghiêm túc đối mặt với chiến lược đe dọa trên nhiều mặt của Trung Quốc, bao gồm các khía cạnh quân sự, ngoại giao, kinh tế và truyền thông, v.v..., đồng thời chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, đặc biệt tập trung vào việc tăng cường khả năng răn đe và khả năng phục hồi. Thứ trưởng Ngô Chí Trung nhấn mạnh cái giá phải trả cho việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan là rất đắt, xung đột ở eo biển Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới, bao gồm cả nền kinh tế thế giới.

 Đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Kinh, chiến lược ứng phó của Đài Loan bao gồm 3 trọng tâm là tăng cường quốc phòng, tăng cường hợp tác liên minh và đảm bảo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Chi tiêu quân sự của Đài Loan đã tăng 80% trong 8 năm qua, đồng thời Đài Loan đã kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 1 năm, thể hiện quyết tâm của Đài Loan trong việc gánh vác trách nhiệm tự phòng vệ. Việc các nước dân chủ tăng cường ủng hộ Đài Loan cũng rất quan trọng. Những năm gần đây, các nước lớn trên thế giới đã thường xuyên cử tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan để bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan, các nước có quan điểm tương đồng cũng tăng cường ủng hộ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế một cách thực chất.

 Hướng tới quan hệ Đài Loan-EU, Thứ trưởng Ngô Chí Trung nhấn mạnh: EU đã nhận thức được những rủi ro do việc kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc gây ra, vì vậy đã có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và thể hiện rõ việc ủng hộ Đài Loan. Mặc dù phải đối mặt với áp lực từ Trung Quốc nhưng các nước Lithuania, Cộng hòa Séc và Slovakia vẫn công khai tăng cường quan hệ với Đài Loan. Ngành công nghiệp bán dẫn là tài sản chiến lược quan trọng của Đài Loan, Đài Loan sản xuất hơn 60% sản phẩm bán dẫn và gần 90% chip tiên tiến của thế giới. Khi châu Âu tìm cách đảm bảo chuỗi cung ứng của mình thì Đài Loan cũng đang chuẩn bị tăng đầu tư vào châu Âu, đối thoại với Đức, Cộng hòa Séc, Lithuania và Pháp để tích hợp công nghệ của Đài Loan vào hệ sinh thái châu Âu, đồng thời tăng cường an ninh chung của Đài Loan và châu Âu. Đài Loan và Pháp cũng đang tích cực tăng cường trao đổi, hợp tác trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi năng lượng.

 Tạp chí Challenges là tạp chí kinh tế, thương mại nổi tiếng của Pháp và cũng là ấn phẩm mà các nhà lãnh đạo, người ra quyết sách của doanh nghiệp và các nhà đầu tư cần phải đọc. Các bài viết của tạp chí này thường được chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia trích dẫn, có sức ảnh hưởng lớn đến dư luận.
 

Đọc nhiều nhất

Tin bài mới