“Xin cảm ơn các ông, các ông là thiên sứ đã cứu mạng cho 29 người tị nạn”, gặp được ân nhân cứu mạng là ông Hoàng Tông Thuấn-nhân viên phát tín hiệu liên lạc trên tàu cá, doanh nhân người Mỹ gốc Việt Đặng Thái Nguyễn xúc động đến trào nước mắt.
40 năm trước, khi vẫn còn là một học sinh, Đặng Thái Nguyễn đã cùng anh trai và 27 người bạn học khác cùng vượt biển trốn ra nước ngoài. Vì thân tàu bị hỏng, tàu chở người tị nạn có thể sẽ bị chìm xuống biển, may mắn thay họ gặp được một tàu cá có chữ “Đại” (大) trên thân tàu, đã dang tay giúp đỡ họ. Trong ký ức xa xăm của ông Đặng Thái Nguyễn, trong lúc nói chuyện, dường như ông phảng phất nghe thấy chữ “Cao Hùng”. Ngày 30/4 vừa qua, ông được một người bạn đưa đến thăm văn phòng chính quyền thành phố Cao Hùng, đồng thời phát đi thông tin tìm kiếm ân nhân năm xưa.
Sau khi thông tin tìm kiếm được các phương tiện truyền thông đăng tải, biết tin ông Đặng Thái Nguyễn đến Đài Loan tìm lại ân nhân, nhân viên phát tín hiệu liên lạc trên tàu cá “Đại Xuyên số 1” năm xưa là ông Hoàng Tông Thuấn đã thông qua đường dây nóng 1999 của chính quyền thành phố Cao Hùng, chủ động bày tỏ mong muốn được gặp mặt.
Khoảnh khắc ông Đặng Thái Nguyễn nhìn thấy ông Hoàng Tông Thuấn dường như đưa ông quay trở về không gian và thời gian ở khu vực biển phía nam Trung Quốc năm xưa. Ông Đặng Thái Nguyễn không kiềm chế được tâm trạng xúc động, lúc thì nghẹn ngào, lúc lau nước mắt, thậm chí có lúc còn quỳ xuống tạ ơn ông Hoàng Tông Thuấn, nhưng ông Hoàng Tông Thuấn đã ngăn lại, một mực nói rằng những người tị nạn đều có phúc lớn, gặp được may mắn.
Ông Hoàng Tông Thuấn nhớ lại, hồi ấy hai tàu cá “Đại Xuyên số 1” và “Đại Xuyên số 2” đều chạy trên vùng biển phía nam Trung Quốc. Một buổi tối của 40 năm trước, trong khi tác nghiệp trên biển, ông thấy có một chiếc thuyền nhỏ tiến gần về phía tàu cá. Khi đã đến sát tàu cá, những người tị nạn trên tàu nhỏ chạy hết lên tàu Đại Xuyên số 1 làm người trên tàu không kịp phản ứng, cũng không dám vứt trả họ xuống tàu nhỏ.
Lúc đó, thuyền trưởng Tống Cẩn An đã thảo luận với ông xem nên xử lý như thế nào, đồng thời liên lạc với công ty chủ quản của tàu cá, công ty đồng ý mọi việc do tàu cá tự quyết định. Vì thế, thuyền trưởng đã đồng ý tạm gác lại công việc để chở những người tị nạn này đến vùng biển ngoài khơi Singapore. Lúc ấy đa số các nước không tiếp nhận người tị nạn mà sẽ yêu cầu tàu cá chở họ đi. Thuyền trưởng tặng xuồng cứu sinh và thực phẩm cho những người tị nạn, chờ trời tối giúp họ tiến sát bãi cát bên ngoài cảng, lúc tàu cá rời đi còn bị tàu quân đội bám theo, may mà không bị chặn lại.
Ông Đặng Thái Nguyễn bổ sung rằng sau đó xuồng cứu sinh đã bị nứt vỡ, rò khí trước khi họ lên bờ, tất cả đàn ông phải nhảy xuống biển đẩy xuồng để phụ nữ và trẻ em ngồi trên. Họ vốn định lên bờ ở Singapore, nhưng bị nước biển cuốn đi, trôi dạt vào đảo nhỏ ở Indonesia. Ngày 12/7/1978, họ đặt chân lên đảo Tanjung Uban của Indonesia, khi lên bờ còn bị nhiều người cầm vũ khí thẩm vấn, mọi người vội vàng giơ hai tay lên cao đầu hàng.
Sau khi thăm hỏi, chính quyền thành phố Cao Hùng mới biết thuyền trưởng tàu Đại Xuyên số 1 đã qua đời từ 9 năm trước. Hay tin mình không còn cơ hội được cảm ơn thuyền trưởng Tống Cẩn An, ông Đặng Thái Nguyễn trở nên buồn bã, ông nghẹn ngào bày tỏ nguyện vọng được đúc một pho tượng hình thuyền trưởng để mọi người biết đến hành động anh hùng nghĩa hiệp của ông Tống Cẩn An, đồng thời ông Đặng Thái Nguyễn hứa sẽ giúp đỡ cho người thân của thuyền trưởng và các thuyền viên để họ không phải lo lắng kiếm sống. Vợ ông Tống Cẩn An cũng cảm ơn ông Đặng Thái Nguyễn đã không quên nghĩa cử của chồng bà. Biết tin ông Đặng Thái Nguyễn đến Đài Loan tạ ơn, bà Tống cảm thấy rất ấm lòng. Bà nhờ quan chức chính quyền thành phố Cao Hùng chuyển lời tới ông Đặng Thái Nguyễn để ông biết được những năm cuối đời, thuyền trưởng sống rất an vui. Bà cũng sẽ nói lại với ông: “Những người bạn Việt Nam được ông cứu sống năm xưa đã về lại đây cám ơn ông”.
Ông Đặng Thái Nguyễn nói, tháng 7 tới ông sẽ lại đến Cao Hùng thăm bà Tống, ông muốn nói với bà Tống và các con của ông bà, ông Tống là người tốt như thế nào, ông muốn kể lại câu chuyện để hành động nghĩa hiệp của thuyền trưởng được lưu truyền cho nhiều người biết đến.
Vào thời khắc ngoại giao Đài Loan đang gặp gian nan thì cơ duyên cứu hộ giữa tàu cá Đài Loan với người Mỹ gốc Việt cách đây 40 năm đã thể hiện một câu chuyện thành công về ngoại giao của người dân nước nhà. Câu chuyện ấy cũng truyền tải hành động nghĩa hiệp, thân thiện của người dân Đài Loan, cứu trợ nhân đạo, không bỏ lại ai phía sau.
(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)