Sắp tròn 45 năm kể từ khi “Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (The Convention on the Elimination of all Forms of Discrimination Against Women, CEDAW) được Liên Hợp Quốc phê chuẩn. Ngày 5/6, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia đã tổ chức “Diễn đàn quốc tế về việc làm của phụ nữ và an ninh kinh tế” (International Forum on Women's Employment and Economic Security), mời cựu Phó Chủ tịch Ủy ban CEDAW Liên Hợp Quốc – Giáo sư Ruth Halperin-Kaddari từ Israel và Giáo sư Niklas Bruun từ Phần Lan đến Đài Loan phát biểu về các vấn đề như bình đẳng giới trong hôn nhân và gia đình, an ninh kinh tế, quyền làm việc của phụ nữ, đồng thời trao đổi với các chuyên gia, học giả, các đại diện khu vực công và khu vực tư nhân của Đài Loan về tình hình và những thách thức đối với Đài Loan hiện nay.
Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc gia – bà Trần Cúc cho biết Đài Loan đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện ý kiến kết luận của các bản đánh giá CEDAW trong 15 năm qua, bao gồm bỏ tội ngoại tình ra khỏi Luật Hình sự, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, thành lập Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, sửa đổi các quy định về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, v.v... nhưng cũng có nhiều vấn đề còn tồn đọng như việc làm của phụ nữ, bình đẳng kinh tế trong hôn nhân và gia đình. Hy vọng thông qua việc tập trung thảo luận tại diễn đàn lần này sẽ học hỏi kinh nghiệm quốc tế để tạo cơ hội cải cách.
“Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” được thông qua vào tháng 12/1979, hơn 90% quốc gia trên thế giới đã công nhận các tiêu chuẩn nhân quyền của CEDAW. Đài Loan công bố báo cáo quốc gia CEDAW đầu tiên vào năm 2009, hiện nay đã hoàn thành 4 lần đánh giá báo cáo quốc gia CEDAW. Đến nay đã tròn 15 năm CEDAW hòa nhập vào phong trào đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ Đài Loan, giúp Chính phủ và xã hội có tiêu chuẩn chung rõ ràng khi xem xét bình đẳng giới.
Giáo sư Ruth Halperin-Kaddari đã theo dõi tiến trình bình đẳng giới ở nhiều khía cạnh khác nhau. Bà chỉ ra rằng sự bất bình đẳng giới trong hôn nhân có ảnh hưởng sâu sắc đối với phụ nữ. Theo thống kê, phụ nữ mỗi ngày dành thời gian cho việc chăm sóc và làm việc nhà nhiều gấp ba lần so với nam giới nhưng không lại được trả lương. Sự bất bình đẳng thường dựa trên các quan niệm và khuôn mẫu về vai trò trong gia đình, khiến gia đình trở thành nguồn gốc của các hình thức phân biệt đối xử khác và là khía cạnh khó giải quyết nhất.
Giáo sư Niklas Bruun nhấn mạnh: Chỉ có hệ thống giáo dục bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái mới có thể bảo vệ quyền làm việc của phụ nữ. Nhiều quốc gia thành viên CEDAW còn tồn tại chênh lệch tiền lương theo giới. Do đó cần tìm hiểu cách giải quyết vấn đề thông qua các trường hợp thực hiện tốt trên thế giới, ví dụ như trả lương ngang nhau cho nam giới và phụ nữ nếu cùng làm công việc như nhau hoặc cho giá trị như nhau.
Ủy ban Nhân quyền Quốc gia cũng đã tổ chức Hội thảo quốc tế CEDAW vào ngày 6/6 để thảo luận về các chủ đề như Công ước Istanbul, Khuyến nghị chung số 35 của CEDAW, cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con cái, v.v...