13/05/2025

Taiwan Today

Chính trị

Giáo sư Vương Canh Vũ giành giải Nghiên cứu Hán học của Giải thưởng Tang Prize 2020

22/06/2020
Nhà nghiên cứu lịch sử Vương Canh Vũ (Wang Gungwu) là chủ nhận giải Nghiên cứu Hán học của Giải thưởng nhà Đường năm 2020. Ông chuyên nghiên cứu lý giải về Trung Quốc qua lăng kính phương Nam. Ông được phong là nhà tiên phong về nghiên cứu người Hoa hải ngoại. (Ảnh: Trang web tang-prize.org)

 Ngày 20/6, Quỹ Giải thưởng nhà Đường (Tang Prize Foundation) đã công bố chủ nhân giành giải Nghiên cứu Hán học năm 2020 là giáo sư Vương Canh Vũ (Wang Gungwu) của trường Đại học Quốc gia Singapore.
 

 Trong phần nêu lý do đoạt giải, Quỹ Giải thưởng nhà Đường đã hết lời ca ngợi các phân tích mang tính khai thác và chuyên sâu của giáo sư Vương Canh Vũ về các lĩnh vực như trật tự thế giới của Trung Quốc, vấn đề người Hoa ở hải ngoại và sự biến chuyển của người Hoa nhập cư. So với cách nghiên cứu truyền thống, nhìn Trung Quốc từ góc độ bên trong hay từ góc độ tương đối của phương Tây với Trung Quốc, thì thông qua việc nghiên cứu tỉ mỉ lịch sử Trung Quốc và các mối quan hệ phức tạp với các nước láng giềng ở phía Nam, giáo sư Vương Canh Vũ có cách nhìn rất độc đáo để tìm hiểu Trung Quốc, đồng thời có đóng góp quan trọng, mới mẻ về cách giải thích địa vị của Trung Quốc trên thế giới.
 

 Nghiên cứu viên Trần Quốc Đống của ngành nghiên cứu ngôn ngữ và lịch sử thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương cho biết, người Trung Quốc khi nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc thường luôn lấy quan điểm dân tộc Trung Quốc làm trung tâm, còn nghiên cứu Hán học của người phương Tây trước đây chỉ tập trung chủ yếu về các dân tộc ở vùng ngoại biên hay xung quanh biên giới Trung Quốc, ví dụ tộc người Hung nô, tộc người Tiên ti (Xianbi hay Xianbei), tộc người Turkic, v.v… mà cựu Viện trưởng Phu Tư Niên gọi là “Lỗ học”. Chính các nghiên cứu về “Lỗ học” đã bù đắp các mảng còn khuyết mà học giả Trung Quốc bỏ qua, hoàn thiện hơn các nghiên cứu về Hán học. 
 

 Dưới sự bổ sung qua lại trong nghiên cứu Hán học của phương Đông và phương Tây, nhìn có vẻ đã thật sự hoàn chỉnh thì vẫn còn một chỗ khiếm khuyết, đó là mảng người Hoa ở hải ngoại.
 

 Nghiên cứu về người Hoa ở hải ngoại không dễ dàng vì ngoài nền tảng về lịch sử văn hóa Trung Quốc, do khu vực vùng biển phía Nam bị thống trị bởi các nước châu Âu trong một thời gian dài nên các nhà nghiên cứu phải có sự hiểu biết nhất định về mẫu quốc của nước thuộc địa, không chỉ về ngôn ngữ mà cần có vốn kiến thức về những truyền thống học thuật của các nước đó.
 

 Cha của giáo sư Vương Canh Vũ là một nhà giáo dục, đã từng làm việc cho chính phủ thuộc địa. Từ nhỏ giáo sư Vương Canh Vũ được hun đúc trong cái nôi văn hóa Trung Quốc, sau đó lại được tiếp thu nền giáo dục chính quy của Anh, nơi có sự đào tạo vững chắc về học thuật phương Tây, giúp ông trang bị đầy đủ các điều kiện tối ưu để làm nghiên cứu.
 

 Cuốn hồi ký bằng tiếng Anh đã xuất bản của giáo sư Vương Canh Vũ mang tên “Home is not here” thể hiện một bối cảnh độc đáo của người Hoa hải ngoại.
 

 Giáo sư Vương Canh Vũ cho rằng người Hoa ở hải ngoại hiện nay đang có những nhìn nhận phức tạp. Họ đã trải qua quá trình xây dựng dân tộc thời hậu thuộc địa ở các nơi khác nhau nhưng nhận ra bản sắc dân tộc của vùng thuộc địa, không bài trừ các nhìn nhận về văn hóa của người Hoa. Dựa trên các yếu tố lịch sử khác nhau, giáo sư Vương Canh Vũ đã phân tích quá trình hình thành lịch sử của “tính người Hoa”, nhìn nhận vai trò người Hoa trong cộng đồng người Hoa, tham gia vào các vấn đề khác nhau về khu vực di cư và Trung Quốc.
 

 Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung ương Hoàng Tiến Hưng cho biết, nghiên cứu năm nay của giáo sư Vương Canh Vũ đã thể hiện sự nổi bật ở chỗ không theo hướng truyền thống. Nghiên cứu truyền thống giới hạn cục bộ ở các vấn đề bản thân Trung Quốc và các vùng lân cận của Trung Quốc, còn giáo sư Vương Canh Vũ đưa sự chú ý chuyển hướng sang hải ngoại bao gồm mảng Hoa kiều, lịch sử đại dương, v.v... Điều này làm hoàn thiện hơn các nghiên cứu về lịch sử của toàn bộ Trung Quốc và có thêm tính sáng tạo.
 

 Giám đốc Quỹ Giải thưởng nhà Đường Trần Chấn Xuyên cho biết, giải Nghiên cứu Hán học của Tang Prize cổ vũ cho các nghiên cứu rộng về Hán học bao gồm nhiều lĩnh vực như tư tưởng, lịch sử, chữ viết, ngôn ngữ, triết học, v.v… Giải thưởng nhằm mục đích biểu dương các thành tựu trong lĩnh vực Hán học và nêu bật những đóng góp của văn hóa Trung Hoa trong sự phát triển văn minh nhân loại. Trong xã hội quốc tế hóa hiện nay, ý nghĩa của các nghiên cứu Hán học rất to lớn, có thể làm phong phú nền tảng kiến thức nhân văn của con người, tăng thêm nhận nhức về thế giới.
 

 Giáo sư Vương Canh Vũ năm nay 90 tuổi, xuất thân ở Surabaya, Đông Ấn Hà Lan (nay là Indonesia) trong một gia đình người Hoa. Từ nhỏ, ông được cha mẹ nuôi nấng theo văn hóa người Hoa, sau đó tiếp thu nền giáo dục Anh quốc. Con đường học thuật của ông ở Malaysia, Australia, Hongkong, Singapore và các nước khác. Ông từng là Hiệu trưởng của trường Đại học Hongkong. Năm 1992, ông được chọn làm viện sĩ của Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan. Hiện nay ông là giáo sư của trường Đại học Quốc gia Singapore.
 

 Ngay từ những năm 1960, sự am hiểu về địa lý, chính trị, hành chính khu vực Đông Nam Á và vùng phía Nam Trung Quốc của giáo sư Vương Canh Vũ đã thu hút sự chú ý của một học giả quan trọng phương Tây, John King Fairbank. Lúc đó, Fairbank đang biên tập cuốn “Trật tự thế giới của Trung Quốc”, còn giáo sư Vương Canh Vũ được mời viết cuốn “Phân tích bối cảnh của mối quan hệ giữa Đông Nam Á và Trung Quốc thời kỳ đầu nhà Minh”, nhận được sự chú ý của giới học thuật. Những năm gần đây, giáo sư Vương Canh Vũ đã định hình lại quan điểm của mình. Năm 2019, ông cho ra mắt quyển “Truyền thống Trung Hoa và thiết lập lại trật tự thế giới mới của Trung Quốc từ xưa đến nay” (China Recoonnects: Joining a Deep-rooted Past to a New World Order) và nhận được nhiều phản hồi rộng rãi.
 

 Một đóng góp khác của giáo sư là nghiên cứu về người Hoa ở Đông Nam Á. Ông cho rằng người Hoa mang trên mình nền văn hóa, tín ngưỡng, quê quán khác nhau. Họ rời Trung Quốc vào những thời điểm khác nhau và trong các hoạt động kinh tế khác nhau, họ lại hòa nhập vào sự giống và khác nhau của nơi cư trú. Vì vậy, người Hoa ở Đông Nam Á không phải là một cộng đồng đơn lẻ có cái nhìn rõ rệt mà là cộng đồng mang nét đa dạng.
 

 Chủ trương của giáo sư Vương Canh Vũ trong nghiên cứu về người Hoa ở hải ngoại là không nên chỉ đặt trong bối cảnh lịch sử Trung Quốc mà nên xem xét đến tình hình di cư của người Hoa. Hiện nay, người Hoa có những nhìn nhận phức tạp và hoàn cảnh của họ khác biệt hẳn so với tổ tiên ông bà. Các nước Đông Nam Á đã trải qua quá trình xây dựng dân tộc thời hậu thuộc địa, bao gồm các nhóm đa sắc tộc của người Hoa bản địa đã chấp nhận như vậy, mấu chốt là ở sự nhìn nhận văn hóa của người Hoa và không bài trừ cách nhìn bản sắc dân tộc của họ đối với nơi di cư.
 

 Từ năm 1953 đến nay, hầu như năm nào giáo sư cũng ra mắt tác phẩm mới. Nhà nghiên cứu Hán học nổi tiếng người Mỹ đã qua đời, G. William Skinner đã từng bày tỏ giáo sư Vương Canh Vũ đóng ba vai trò học thuật trong cùng một lúc, là nhà nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc, nhà bình luận có uy tín về vấn đề Malaysia và chuyên gia về vấn đề người Hoa ở Đông Nam Á.
 

Đọc nhiều nhất

Tin bài mới